Hiện nay, giá trứng vịt được thu gom chỉ khoảng 1.600 đồng/trứng.
Nuôi vịt chạy đồng từ lâu đã trở thành cái nghề gắn liền với nhiều hộ dân ở vùng nông thôn, nhất là hộ nghèo ít đất sản xuất. Mùa vịt chạy đồng thường bắt đầu khi vụ lúa vừa kết thúc, rộ nhất là vụ Đông xuân hàng năm. Đàn vịt được lùa từ đồng này sang đồng khác để chúng ăn vét lúa rụng, ốc, dế... Nhờ đó mà người nuôi đỡ tốn khoản tiền mua thức ăn cho vịt.
Có người gọi mùa vịt chạy đồng là mùa du canh du cư, bởi mỗi chuyến đi chủ vịt có thể tá túc ở bất kỳ đồng lúa nào mới cắt. Mỗi nơi tạm trú vài ba ngày, sáng lùa vịt đi, tối lùa về nhốt tạm cạnh bờ kênh, góc ruộng. Cuộc mưu sinh cứ rày đây mai đó cho đến khi các thửa ruộng bước vào vụ gieo sạ mới.
Gần đây, người nuôi vịt chạy đồng nhiều phen khốn đốn. Ông Nguyễn Văn Tâm, ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, buồn kể: “Mấy năm nay giá trứng thấp lắm, người nuôi không trụ nổi nên bán đàn dần. Tôi có ông bạn ngày trước cầm đàn hai ba ngàn con, nhưng bỏ nghề vì lỗ. Cuộc sống bấp bênh nên ổng bán đàn xoay trở nợ nần rồi đi làm thuê. Tính vậy coi bộ khỏe, chứ như tôi bám trụ thêm hai năm nay cơ cực đã đành, chi phí trăm thứ phải lo”.
Tuy quen với cảnh “rày đây mai đó” nhưng người nuôi luôn trăn trở nguồn thu bấp bênh và nỗi lo thua lỗ. Hơn 1 năm nay, trứng vịt giữ mức trung bình thấp. Người nuôi chia sẻ, có lúc giá trứng giảm sâu chỉ còn khoảng 1.300 đồng/trứng, hiếm khi tăng cao nhưng cũng không quá ngưỡng 2.000 đồng/trứng. Trong khi đó, người nuôi phải chịu rất nhiều khoản chi phí đổ dồn, từ tiền vận chuyển đàn đi di trú, chi phí phòng và chữa bệnh cho đàn, rồi đến tiền mua đồng (ruộng sau khi cắt lúa), bơm nước lên ruộng để cho vịt ăn.
Chưa dừng lại ở đó, những khó khăn, trở ngại cứ luôn rình rập. Thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá khiến người nuôi vịt đối mặt với câu chuyện bỏ nghề. Anh Nguyễn Văn Nhoi, ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tâm sự: “Thức ăn cho vịt hồi tết tới giờ tăng mỗi bao 30.000 đồng, rồi tiền mua lúa đổ cho vịt ăn hàng ngày. Nếu mình giảm lượng thức ăn, hoặc cho ăn loại rẻ hơn thì không đủ đạm, vịt đẻ ít, trứng nhỏ, vỏ mỏng. Bao nhiêu thứ đồ dồn khiến tôi tiến thoái lưỡng nan. Đàn 2.000 con vịt, nếu ở nhà thì tiền thức ăn đổ cho nó không nổi, còn đưa đàn đi “chạy đồng”, cũng phải tốn kém rất nhiều. Cứ bước đi là tốn tiền tàu, tiền mua đồng, rủi ro hao hụt. Chưa kể một số vùng nước mặn mình không dám đi nữa”.
Chị Nguyễn Thị Trúc Ly, ở ấp 2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Người ta nói “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”, thật không sai. Nhà không có đất đai nhiều thì ráng làm chứ không lẽ bỏ xứ đi? Bây giờ không có đường lui, lúc mua đàn thì giá cao, giờ đây dù có bán đàn thì vẫn thua lỗ. Có lúc chán tới mức muốn bán hết vịt để kiếm nghề khác mưu sinh. Nhưng suy cho cùng, bỏ nghề cũng không biết sinh sống làm sao. Tôi chỉ mong sao có chính sách nào hỗ trợ người nuôi vịt chạy đồng tiếp cận nguồn vốn vay, hoặc làm sao cân đối để giá trứng tăng lên giúp người nuôi có được phần lời. Hiện nay giá trứng chỉ 1.600 đồng, mà thức ăn cứ tăng liên tục. Theo tôi, trứng vịt tầm 2.000 đồng/trứng trở lên thì mới mong có lời”.
Chăn nuôi vịt chạy đồng đã thành tập quán từ rất nhiều năm nay của người dân. Tuy nhiên, liệu có thể chuyển đổi từ hình thức “chạy đồng” thành một hình thức khác áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tiết giảm chi phí chăn nuôi hơn? Bên cạnh thị trường thì vấn đề dịch bệnh là yếu tố rủi ro lớn với hình thức chăn nuôi vịt chạy đồng. Do vậy, việc tiêm phòng bệnh và tiếp cận tốt các dịch vụ thú y tại địa phương là cần thiết cho hộ chăn nuôi.
Bài, ảnh: ẨN LIÊN - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)