Trồng khoai lang Nhật lãi cả trăm triệu đồng/ha

Thứ ba, 23 Tháng 3 2021 10:51 (GMT+7)
Khoai lang Nhật đang vào mùa thu hoạch rộ nhưng khác với nhiều năm trước, giá khoai năm nay không hề rẻ nhưng vẫn bán đắt như "tôm tươi"
Theo ghi nhận của phóng viên tại TP HCM, khoai lang Nhật (giống Nhật trồng tại Việt Nam) ruột vàng, loại tuyển chọn cỡ lớn đang có giá từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, hàng loại trung khoảng 25.000 đồng/kg và hàng cỡ nhỏ cũng được giá 15.000 đồng/kg. 
 
Trong khi những năm trước, thời điểm tháng 3, khi khoai lang rộ mùa, giá bán lẻ tại TP HCM chỉ xoay quanh mức 15.000 đồng/kg; những điểm bán dạng hàng xổ giá chỉ 20.000 đồng/3 kg hoặc 15.000 đồng/2 kg.
 
Theo ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc HTX chia sẻ nông nghiệp Tây Nguyên (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), toàn huyện có hơn 400 ha khoai lang Nhật đang vào mùa thu hoạch rộ. Loại khoai bở, ruột vàng đang được thu mua tại ruộng với giá từ 9.500 – 11.000 đồng/kg, gấp đôi năm ngoái nên nông dân rất phấn khởi. "Với năng suất bình quân 20-25 tấn/ha, sau khi trừ chi phí đầu tư, nông dân lãi khoảng 100 triệu đồng/ha" – ông Hai tính toán.
Trồng khoai lang Nhật lãi cả trăm triệu đồng/ha - Ảnh 1.
Khoai lang Phú Thiện (Gia Lai) trưng bày tại một sự kiện diễn ra tại TP HCM
 
Đây chính là vùng trồng khoai lang 2 năm trước phải kêu gọi người dân TP HCM "giải cứu" vì tồn đọng số lượng lớn, không thể tiêu thụ được.
Trồng khoai lang Nhật lãi cả trăm triệu đồng/ha - Ảnh 2.
Năm nay khoai lang trúng giá
 
Ông Hai lý giải nguyên nhân khoai lang Nhật năm nay giá cao là nhờ nguồn cung thấp hơn nhu cầu. "Những năm trước nông dân thua lỗ nên diện tích trồng khoai giảm xuống nhiều; trước kia có thời điểm lên đến 1.000 ha, nay chỉ còn phân nửa nên sản lượng giảm đáng kể. Do vậy, thành công của vụ mùa năm nay chưa có yếu tố bền vững. Thực tế, hiện nay khoai lang tiêu thụ nội địa ở dạng tươi ở kênh chợ truyền thống, tỉ lệ bán ở siêu thị, cửa hàng còn thấp và chưa có sản phẩm chế biến để xuất khẩu." – giám đốc HTX này nhìn nhận.
 
Thực tế, nhu cầu thu mua khoai lang của các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có và chấp nhận giá cao nhưng yêu cầu vùng trồng phải có chứng nhận Global GAP trong khi vùng trồng này chỉ mới chuyển đổi theo hướng canh tác sạch hơn chứ chưa có chứng nhận.
 
Tin: Ngọc Ánh - Ảnh: An Na - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản