Trợ lực bước đầu cho khóm Cầu Đúc

Thứ sáu, 26 Tháng 3 2021 10:22 (GMT+7)
Sau thời gian triển khai, việc xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý khóm Cầu Đúc đã mang lại hiệu quả ra sao để nâng tầm thương hiệu một loại cây trồng chủ lực của thành phố Vị Thanh và tỉnh Hậu Giang ?
Khoảng hơn một tháng nữa, khóm Cầu Đúc sẽ bước vào mùa thu hoạch rộ nhất trong năm.
 
Quản lý được thương hiệu
 
Cây khóm được xác định là một trong 4 loại cây trồng chủ lực của tỉnh Hậu Giang. Khóm Cầu Đúc có khả năng cạnh tranh cao, mang lại giá trị kinh tế, xã hội và có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc địa phương. Tuy nhiên, người dân trồng khóm còn gặp khó trong sản xuất và tiêu thụ. Đặc biệt là tình trạng khóm trồng ở địa phương khác ngoài tỉnh Hậu Giang nhưng lại được bán trên thị trường với thương hiệu “Khóm Cầu Đúc”, gây ảnh hưởng đến uy tín và tình hình tiêu thụ của cây khóm tỉnh nhà.
 
Để khắc phục tình trạng này, năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang đã đề xuất và được phê duyệt triển khai thực hiện dự án “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý “Khóm Cầu Đúc Hậu Giang” cho sản phẩm khóm (dứa) của tỉnh Hậu Giang”. Ngày 23-11-2020, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4523 về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00092 cho sản phẩm “Khóm Cầu Đúc”. Diện tích vùng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý bao gồm: phường VII, xã Hỏa Tiến, xã Tân Tiến, xã Hỏa Lựu, xã Vị Tân thuộc thành phố Vị Thanh và xã Vĩnh Viễn A thuộc huyện Long Mỹ.
 
Dự án đã thiết kế, lựa chọn mẫu biểu tượng (logo) và hệ thống nhận diện chỉ dẫn địa lý; xây dựng website quản lý chỉ dẫn địa lý “Khóm Cầu Đúc Hậu Giang”, tại địa chỉ: www.khomcauduchaugiang.com; tổ chức các buổi tập huấn nhằm tăng cường năng lực quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh đó, dự án đã hỗ trợ đăng ký, hướng dẫn sử dụng mã số, mã vạch sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cho 3 tổ chức: Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Thắng, Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Thạnh Tiến, Hợp tác xã Vĩnh Phát. Dự án cũng thường xuyên kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
 
Theo đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang, thì ý nghĩa của chỉ dẫn địa lý là khẳng định giá trị của trái khóm Cầu Đúc được trồng ở vùng đất Hậu Giang. Vì cùng một loại giống Queens nhưng trồng ở Hậu Giang sẽ có độ ngọt, hương thơm và hàm lượng dinh dưỡng đặc trưng mà khóm trồng ở vùng khác không có được.
 
Sử dụng chỉ dẫn địa lý thế nào để phát huy hiệu quả
 
Thực tế qua thời gian triển khai cho thấy, việc xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý “Khóm Cầu Đúc Hậu Giang” đã góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo danh tiếng, giá trị của sản phẩm trên thị trường. Từ đó nâng cao thu nhập, đời sống của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm khóm Cầu Đúc Hậu Giang.
 
Đối với bà con nông dân, chỉ dẫn địa lý giúp họ tự tin hơn với sản phẩm mà mình làm ra. Những nỗi lo về giá cả, đầu ra bấp bênh của trái khóm đang dần được xóa bỏ. Theo ông Nguyễn Linh Phi, cán bộ bảo vệ thực vật xã Tân Tiến: “Nếu chỉ dẫn địa lý được đưa vào sử dụng rộng rãi, giá cả của trái khóm Cầu Đúc sẽ tăng lên. Từ đó, đời sống người nông dân trồng khóm sẽ sung túc hơn”.
 
Do đó, người dân yên tâm trong việc đầu tư máy móc, trang thiết bị, mở rộng diện tích canh tác. Trong giai đoạn 2015-2020, diện tích đất trồng khóm trên địa bàn xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh đã tăng lên gấp 2,6 lần, từ 229ha (năm 2015) lên đến 598ha (năm 2020). Con số này được dự đoán là sẽ không ngừng tăng lên trong thời gian tới. Trên địa bàn xã hiện nay đã có một số hộ dân đầu tư hệ thống tưới nước tự động, sản xuất khóm theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng các kỹ thuật canh tác mới.
 
Tuy nhiên, việc sử dụng chỉ dẫn địa lý cho trái khóm Cầu Đúc vẫn chưa thực sự phổ biến. Ông Vu Suổi, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Thắng, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Sau khi được tập huấn và hỗ trợ đăng ký mã số mã vạch, chúng tôi đã bước đầu đưa vào sử dụng. Việc dán tem có mã số mã vạch trên trái khóm vẫn còn hạn chế do mất thời gian và tốn công, mà khách hàng thì không yêu cầu”.
 
Hầu hết bà con nông dân, thương lái và các doanh nghiệp chưa nắm bắt thông tin hoặc chưa hiểu được tầm quan trọng của chỉ dẫn địa lý. Họ đã quen với hình thức buôn bán truyền thống, nhỏ lẻ. Vì vậy, đa số khóm Cầu Đúc Hậu Giang khi xuất hiện trên thị trường đều chưa có “dấu hiệu” để khẳng định nguồn gốc xuất xứ. Điều này phần nào làm mất đi ý nghĩa của việc đăng ký chỉ dẫn địa lý.
 
Bên cạnh đó, việc canh tác của người dân trồng khóm Cầu Đúc còn gặp nhiều khó khăn. Năm qua, tình trạng ngập sâu đã gây thiệt hại không nhỏ cho việc sản xuất khóm ở địa phương. Mặc dù vậy, bà con nông dân vẫn quyết tâm gắn bó với cây khóm, tiếp tục tái sản xuất và không ngừng học hỏi để nâng cao sản lượng cây khóm.
 
Trong thời gian tới, bà con nông dân trồng khóm Cầu Đúc mong muốn được hỗ trợ thêm các trang thiết bị phục vụ sản xuất, được tham gia nhiều lớp tập huấn để nâng cao kiến thức, áp dụng canh tác có hiệu quả. Đồng thời, người dân cần hiểu hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa của chỉ dẫn địa lý “Khóm Cầu Đúc Hậu Giang”, để đưa vào sử dụng trong việc tiêu thụ khóm. Từ đó, khẳng định thương hiệu và quảng bá sản phẩm đặc sản, chủ lực này trên thị trường trong và cả ngoài nước.
 
Giá khóm bán ra trên thị trường hiện dao động từ 8.000-11.000 đồng/trái loại 1
 
Tính đến tháng 3-2021, thành phố Vị Thanh đã có diện tích xuống giống khóm Cầu Đúc là 2.206,3ha, đạt 100,3% so với kế hoạch đề ra. Năng suất trung bình của trái khóm trên địa bàn đạt 16 tấn/ha. Giá khóm bán ra trên thị trường hiện dao động từ 8.000-11.000 đồng/trái loại 1. Với mức giá này, bà con đảm bảo có lãi. Do ảnh hưởng của đợt ngập lụt năm vừa qua nên hiện tại đa số diện tích khóm đang được phục hồi hoặc trồng mới. Khoảng hơn 1 tháng nữa, khóm Cầu Đúc sẽ bước vào mùa thu hoạch rộ nhất trong năm.
Bài, ảnh: ĐANG THƯ - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản