3ha đất mía được ông Khương chuyển đổi sang trồng chanh không hạt theo chuẩn GlobalGAP.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, tình hình sản xuất nông nghiệp những tháng đầu năm nay được thuận lợi. Về cây lúa, diện tích xuống, năng suất đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Lợi nhuận tăng so với cùng kỳ và giá bán cao nên vụ này nông dân rất phấn khởi. So với cùng kỳ năm trước, giá lúa bán tăng từ 500-1.200 đồng/kg và cộng thêm năng suất đầu vụ cao hơn cùng kỳ 1 tấn/ha, do đó sau khi trừ hết chi phí thì lợi nhuận nông dân đạt được 40 triệu đồng/ha, cao hơn cùng kỳ năm trước 10 triệu đồng/ha.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Vụ lúa Đông xuân năm nay người dân trồng lúa rất phấn khởi, toàn huyện có 7.982/19.423ha lúa được các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, chiếm 41%, với giá dao động 6.200-6.500 đồng/kg. Để đáp ứng yêu cầu của các công ty, không riêng trên cây lúa, đối với các loại cây trồng khác hiện nay người dân cũng rất ý thức trong việc sản xuất gắn với bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường. Nhờ đó, diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn huyện được các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngày càng tăng. Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng đề án nông nghiệp phát triển bền vững gắn với du lịch.
Cho đến nay, bên cạnh các sản phẩm nông nghiệp trồng đạt chuẩn VietGAP, huyện còn có 2 loại sản phẩm cây trồng được chứng nhận GlobalGAP, đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu. Trong đó, chanh không hạt được 350ha, khóm MD2 với diện tích 87ha. Hiện nay, đối với cây dưa lưới đang thực hiện các thủ tục để được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP. Từ việc thấy hiệu quả về kinh tế của những hộ dân trong sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, sạch, giá cả ổn định nên nhiều hộ dân học tập kinh nghiệm, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Một trong những hộ dân thực hiện chuyển đổi cây trồng, ông Nguyễn Hoàng Vân, ở ấp Xẻo Môn, xã Phụng Hiệp, cho hay: “Trước đây, trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp của gia đình chủ yếu là trồng cam mật. Tuy nhiên, đầu ra của cam không ổn định nên 2 năm trước gia đình tôi đã chuyển sang trồng 1ha chanh không hạt. Về kỹ thuật trồng được công ty và khuyến nông huyện hỗ trợ tận tình, giúp cây trồng phát triển tốt. Hiện cây chanh đang xử lý cho vụ trái đầu tiên. Bản thân thấy rất phấn khởi vì trồng cây theo hướng an toàn, bảo vệ môi trường, điều này đã góp phần bảo vệ sức khỏe cho người thân trong gia đình cũng như cộng đồng, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng”.
Còn ông Lê Văn Khương, ở ấp Xẻo Môn, xã Phụng Hiệp, cho biết: “Trên diện tích đất của gia đình đều trồng chanh không hạt theo hướng an toàn, đạt chuẩn xuất khẩu được công ty bao tiêu sản phẩm ổn định. Từ ý thức của bản thân cũng như được sự tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật của các cấp, các ngành đã giúp tôi có những kiến thức áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, giúp sản phẩm làm ra có giá trị, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe”.
Ông Phạm Chí Công, cán bộ khuyến nông xã Phụng Hiệp, cho biết: Hiện tại, toàn xã có trên 60% hộ dân ý thức trong việc sản xuất nông nghiệp áp dụng tiến bộ kỹ thuật và trồng theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Cây trồng chủ lực của người dân trong xã Phụng Hiệp là lúa và mía, nhưng gần đây nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Trong năm 2020, xã đã chuyển đổi được 50ha từ đất mía, vườn tạp sang mít, chanh không hạt và bưởi. Trong đó, chanh không hạt được 8ha, bưởi 18ha đã trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.
Theo đó, trong tổng số 640ha lúa của xã Phụng Hiệp thì có 57ha ở ấp Thắng Mỹ, Sậy Niếu B được các công ty thử nghiệm trồng theo hướng an toàn. Do vùng đất của xã rất phù hợp với cây chanh không hạt và đây là loại cây cung cấp nguyên liệu cho các công ty và người tiêu dùng nên đầu ra ổn định. Đặc biệt năm 2020, chanh không hạt đã được các công ty đến bao tiêu sản phẩm nên nhiều hộ dân trong xã Phụng Hiệp đang dần chuyển đổi sang loại cây này. Tuy nhiên, để đầu ra sản phẩm ổn định hơn thì người dân rất cần chính quyền quan tâm đến việc tìm doanh nghiệp đến thu mua.
Với những giải pháp thiết thực, trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở huyện Phụng Hiệp đã có những chuyển biến tích cực, vừa thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập vừa giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, từng bước đưa hoạt động canh tác gắn với bảo vệ môi trường trở thành xu hướng mới trong sản xuất hiện nay. Ông Trần Trung Tính, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Phụng Hiệp, cho biết: Trong năm qua, đã triển khai thực hiện được các mô hình theo hướng an toàn là nuôi gà sinh học, lươn trong bể bạc, sản xuất lúa an toàn, trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết chuỗi giá trị. Để giúp nông dân sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường, từ đầu năm đến nay huyện đã tổ chức hội thảo có sự tham dự của 300 nông dân, với mô hình sản xuất lúa an toàn sử dụng chế phẩm vi sinh, giúp người dân giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật ít ảnh hưởng đến môi trường.
Trong năm 2021, theo kế hoạch khuyến nông huyện sẽ thực hiện mô hình 2ha tưới tiết kiệm, thích ứng với biến đổi khí hậu ở xã Thạnh Hòa và Long Thạnh. Mô hình phun thuốc và gieo sạ bằng máy không người lái ở xã Phương Phú và Bình Thành. Thực hiện mô hình nuôi heo rừng trên đệm lót sinh học. Tiếp tục tổ chức các cuộc tập huấn theo yêu cầu cho người dân và thông qua các cuộc tập huấn tuyên truyền người dân sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP. Phấn đấu đưa nền nông nghiệp của huyện sản xuất theo công nghệ 4.0 không chỉ trên cây ăn trái mà ở tất cả các loại cây trồng khác nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo cho sản xuất và người tiêu dùng...
Bài, ảnh: T.XOÀN - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)