Hiện nhiều nông dân ở TP Cần Thơ chủ động dự trữ nước trong mương vườn để sẵn sàng tưới cho vườn cây. Trong ảnh: Vườn trồng chanh không hạt tại huyện Phong Điền.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông dân đã áp dụng các giải pháp chống hạn, xâm nhập mặn khá hiệu quả tại các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung ở các địa phương vùng ĐBSCL. Cụ thể như, tích trữ nước ngọt thông qua các giải pháp, nạo vét kênh mương nội đồng, dùng bạt ni lông trải dưới kênh mương để chứa nước ngọt và đào ao chứa nước ngọt trong vườn. Chủ động đo nồng độ mặn, chỉ lấy nước tưới khi nồng độ cho phép. Sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả thông qua đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm như tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa, kết hợp cung cấp dinh dưỡng qua hệ thống tưới. Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ giúp đất giữ ẩm tốt, hạn chế bốc thoát hơi nước. Phủ gốc với các nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, lá dừa, cỏ khô và các thực vật khác) hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc giữ ẩm cho cây. Ngoài ra, khi vườn cây bị hạn mặn, chú ý bón bổ sung phân Sulphate Kali, vôi bột, khi hạn mặn kéo dài phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn. Bón phân vi lượng chứa canxi, magiê, silic giúp tăng khả năng đề kháng của cây, cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa, trái non để hạn chế thoát hơi nước…
Thời gian qua, diện tích trồng cây ăn trái tại vùng ĐBSCL đã liên tục tăng và trở thành loại cây trồng có thế mạnh của vùng, giúp mang lại giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho nhiều nông dân. Năm 2010, diện tích trồng cây ăn trái của vùng chỉ có hơn 287.300ha, đến cuối năm 2020 đã tăng lên hơn 377.700ha.
Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)