Khá lên nhờ chuyên canh rau màu

Thứ năm, 08 Tháng 4 2021 10:21 (GMT+7)
Những năm gần đây, nhiều hộ dân trồng rau màu trong tỉnh có được thu nhập cao là nhờ chuyển đổi giống cây trồng hợp lý.
Nông dân xã Nhơn Nghĩa A thu hoạch bắp trái bán cho thương lái.
 
Thời điểm này, nhiều nông hộ trồng rau màu, bắp trái ở các vùng chuyên canh huyện Châu Thành, Châu Thành A, Vị Thủy, Long Mỹ, đang vào mùa thu hoạch rộ với niềm vui trúng mùa, được giá. Đi dọc tuyến đường nông thôn ấp Khánh Hội B, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, ngay từ sáng sớm chúng tôi đã thấy thương lái vào tận vườn thu mua cà, cải, mít, chanh… của nhiều nông hộ.
 
Nằm ẩn khuất trong những khu vườn cây ăn trái liền kề, là rẫy bầu sao trĩu trái của anh Lê Hoàng Em, có diện tích khoảng 3.000m2, cũng đang đúng ngày cắt bán. Anh Hoàng Em cho biết một năm 2 vụ, xuyên suốt nhiều năm anh chỉ trồng độc canh giống bầu sao này trên nền đất liếp. Sở dĩ, anh chọn trái bầu mà không trồng loại cây khác, bởi bầu thuộc nhóm dây leo quấn, phát triển mạnh nên rất dễ trồng, thích nghi trên nhiều loại đất và trồng được quanh năm. Ngoài ra, trái bầu dễ ăn, dễ bán, thời gian sinh trưởng cũng ngắn. Nếu tính từ trồng đến khi thu hoạch trái chỉ mất khoảng 60 ngày và dòng đời của cây có thể kéo dài được từ 5-6 tháng, nếu chăm sóc đủ phân, đủ nước. Bầu rất cần có nhiều nước, do đó phải tưới thường xuyên 1-2 lần/ngày và khi bắt đầu ra hoa mang trái cũng cần bón thúc phân. Trái bầu phát triển từ 10-12 ngày sau khi trổ hoa là có thể thu hoạch được khi vỏ còn mềm, không nên để trái già, vỏ hạt bên trong đã cứng, ăn kém ngon, khó bán.
 
Với nhiều năm kinh nghiệm trồng bầu, tận dụng diện tích mặt liếp bờ bao, anh trồng toàn giống bầu sao lai F1-6168, mỗi ngày anh cắt bán một lần với số lượng từ 500-600 trái, tương đương 700kg. Thương lái đặt mua tại ruộng với giá 6.000-7.000 đồng/trái, sau khi trừ chi phí, anh còn lợi nhuận khoảng 400.000-500.000 đồng/ngày, chưa tính đến tiền bán thêm trái bí đao xanh trồng chung diện tích bầu khoảng 300.000 đồng mỗi ngày. So ra thì mức thu nhập bình quân trong năm của anh cũng không thua kém gì với nhiều nông hộ lân cận trồng cây chanh, mít.
 
Nếu như ở ấp Khánh Hội B, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, anh Hoàng Em từ nghèo khó vươn lên nhờ trái bầu thì ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, cũng có không ít nông dân nhờ chuyên canh trồng cây màu mà khấm khá. Trong số người đó có anh Út Chín, ở ấp Nhơn Thuận, gắn liền hơn nửa đời người với nghề trồng rẫy, trồng dưa, tỉa bắp. Tâm sự với tôi, anh Út Chín nói rằng những năm về trước, gia đình anh là hoàn cảnh khó khăn của địa phương, mọi chi tiêu trong gia đình đều trông chờ vào khoản thu nhập một năm 2 vụ lúa và tiền làm thuê thời vụ.
 
Không chấp nhận số phận, với suy nghĩ thoát nghèo từ đồng đất quê hương, anh đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích 3.000m2 đất trồng lúa sang trồng bắp nếp. Giống bắp mà anh thường chọn trồng là giống bắp lai F1 HN88. Giống này không chỉ “chinh phục” nông dân bằng khả năng chịu hạn, mà còn là giống bắp ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng bắp có vị đậm đặc trưng, sinh trưởng khỏe, có thể trồng được 3 vụ/năm. Thương lái thường mua giống bắp này tại ruộng từ 45.000-50.000 đồng/chục (14 trái) còn nếu nấu chín bán lẻ cũng 70.000-80.000 đồng/chục. Anh Chín nhẩm tính bình quân mỗi vụ bắp sau 3 tháng trồng, trừ đi chi phí giống, phân, công chăm sóc mỗi công bắp anh còn lời gần 4 triệu đồng. Thấy được hiệu quả kinh tế từ cây bắp nếp mang lại, những năm gần đây nhiều bà con trong xóm đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây bắp nếp và mô hình này đang được nông dân chọn để chuyên canh.
 
Nói đến chuyên canh cây rau màu thì những năm gần đây, nhiều hộ dân ở một số xã như Long Trị, Long Trị A của thị xã Long Mỹ, xã Vĩnh Thuận Tây, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy… đã khai thác tối đa các diện tích đất ruộng, đất vườn đầu tư phát triển mạnh nghề trồng rau màu và tăng hệ số quay vòng sử dụng đất, góp phần cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Chị Sáu Hạnh, ở xã Long Trị A, cho biết cây rau màu như cải, cà, đậu đũa, dưa leo… rất dễ trồng. Thị trường đầu ra hàng ngày cũng tương đối ổn định. Trồng cây rau màu cũng nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp vì ít sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, chủ yếu là phân hữu cơ, đặc biệt là quay vòng vốn nhanh. Nhờ ưu điểm này, nhiều hộ dân trước đây không trồng rau màu, khi có điều kiện đã mạnh dạn đầu tư vốn, chọn loại màu thích hợp để trồng nhằm tạo việc làm cho gia đình, có thu nhập ổn định.
 
Mỗi công đất trồng rau màu như cải xanh, cải bẹ dúng chỉ sau 40 ngày gieo trồng bắt đầu cho thu hoạch, vốn đầu tư ban đầu chỉ cần vài trăm ngàn đồng một vụ, nhưng cho năng suất khá cao, trung bình từ 2-2,5 tấn/công, giá bán ra thường dao động ở mức từ 5.000-10.000 đồng/kg, tính ra mức thu nhập mỗi công rau sau 1 vụ trồng đã trừ đi các khoản chi phí, cũng còn từ 10-20 triệu đồng/công. Chị Dung, ở ấp 7, xã Long Trị A, cho hay gia đình chị có 1.000m2 đất trồng nhiều loại rau, trung bình mỗi ngày vườn rau nhà chị cho thu hoạch khoảng 100kg rau thơm, diếp cá, cải xanh, cải ngọt cho thu nhập trên 150.000 đồng/ngày. Cứ thế, vụ này nối tiếp vụ kia đã gần 30 năm gắn bó với nghề trồng rau và cũng nhờ trồng rau cải mà gia đình chị thoát được cảnh nghèo.
 
Bài, ảnh: QUANG HẢI - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản