Trồng dưa hấu mùa hạn

Thứ năm, 15 Tháng 4 2021 10:22 (GMT+7)
Những ngày gần đây, giá dưa hấu, dưa gang đã tăng mạnh, do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao trong mùa nắng nóng nên người trồng có thu nhập khá.
Thương lái mua dưa hấu của bà con nông dân trên địa bàn thị xã Long Mỹ.
 
Theo nhiều tiểu thương mua bán rau, cải ở một số chợ trên địa bàn tỉnh, các giống dưa hấu vài ngày trước đây giá bán lẻ chỉ ở mức 6.000-7.000 đồng/kg thì nay phải mua vào với giá 8.000-10.000 đồng/kg. Bán ra 12.000-15.0000 đồng/kg, tăng từ 6.000-8.000 đồng/kg tùy trái đẹp xấu, lớn nhỏ. Bên cạnh đó, giá dưa gang cũng tăng từ 11.000 đồng/kg lên 12.000 đồng/kg.
 
Không ít tiểu thương ở các chợ cho rằng giá dưa hấu, dưa gang gần đây tăng mạnh trở lại ngoài yếu tố nghịch mùa trái vụ thì một lượng lớn các loại trái cây đang được đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa trong mùa nắng nóng. Ngoài ra, tình hình dịch Covid-19 ở nước ta đã được khống chế và kiểm soát tốt nên lượng hàng hóa tại các cửa khẩu cũng bớt ứ đọng cho dù chưa được xuất đi nhiều như trước. Đây cũng là tín hiệu vui cho bà con nông dân, coi như đã vượt qua giai đoạn khó khăn, bớt được nỗi lo vì dội hàng ế chợ.
 
Trở lại vùng chuyên canh cây rau màu thuộc địa bàn thị xã Long Mỹ, giữa cái nắng ban trưa, dù đang bận chăm sóc rẫy dưa, nhưng anh Năm Bằng (Nguyễn Văn Bằng), ở ấp 7, xã Long Trị A, vẫn niềm nở tiếp chúng tôi. Anh cho biết: “Một ngày bình thường của nhà nông vào mùa dưa hấu thường được bắt đầu từ khi còn tờ mờ sáng, chỉ cần đủ để nhìn thấy ngọn cây là bà con đã kéo nhau ra đồng ghim hàng, tỉa ngọn”.
 
Theo anh Bằng, khi ánh mặt trời bắt đầu nóng gắt, người ta mới kéo nhau về ăn uống, nghỉ ngơi, nhưng không vì vậy mà trên cánh đồng dưa lại vắng bóng người. Chiều xuống khi ánh mặt trời dịu mát, cả cánh đồng lại rộn ràng tấp nập như buổi sáng mai. Suốt nhiều năm qua, nếu không có những tháng ngày mưa lũ thì hầu như bà con nơi đây không có thời gian ngơi nghỉ. Đặc biệt, những năm gần đây, dưa hấu đã trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực trong tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương, từ việc chủ động tiếp cận và chuyển đổi cây trồng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhiều nông dân ở đây đã có nguồn thu nhập khá cao từ loại cây dưa hấu.
 
Chị Sáu Phan, ở xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ, trước đây là hộ khó khăn, nhưng nhờ nhiều năm trúng mùa dưa hấu giờ đã thoát nghèo. Chị Phan chia sẻ là gia đình chị ít đất người đông, 5.000m2 đất mặt liếp là “nồi cơm” nuôi sống gia đình. Một năm ngoài canh tác nhiều giống rau màu ngắn ngày, chị còn trồng thêm 2 vụ dưa hấu bán vào dịp tết và mùa nắng nóng. Thường thì chị chọn giống dưa Thành Long để trồng, giống dưa này cho năng suất từ 3,5-4 tấn/công, giá bán tại ruộng dao động từ 5.000-6.000 đồng/kg, tính ra mỗi vụ dưa chị có thu nhập không dưới 70-80 triệu đồng.
 
Kinh tế khá lên nhờ cây dưa hấu, đó cũng là động lực để chị cũng như nhiều bà con khác trong xóm tìm tòi, tích lũy kinh nghiệm trồng dưa hấu. Có điều để trồng dưa có chất lượng và hiệu quả cao thì người trồng cần phải tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật khi dưa lên đủ 2 lá mầm, 4 lá nhám thì chắn đọt để cho dưa phát triển nhiều cành. Thường xuyên cắt tỉa các nhánh phụ để tập trung dinh dưỡng nuôi nhánh chính, khi dưa đã được 25-30 ngày tuổi, cây ra hoa rộ thì trực tiếp thụ phấn để dưa đậu trái nhiều. Thời gian thụ phấn thường tiến hành vào lúc sáng sớm sau khi tưới, đây là thời điểm lý tưởng để dưa hấu đậu trái. Thực tế canh tác cho thấy, dưa hấu là loại cây thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng này, mỗi năm bà con nơi đây có thể trồng được 2 vụ và rồi cây dưa hấu dần trở thành cây trồng chủ lực, từng bước giúp nông dân có nguồn thu nhập khá.
 
Nếu như nhiều hộ dân trồng rau màu trên địa bàn thị xã Long Mỹ, cũng như vùng lân cận khá lên từ cây dưa hấu thì ở huyện Phụng Hiệp có không ít hộ thoát được cảnh túng quẫn nhờ thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng có hiệu quả từ giống dưa gang. Trong đó, có hộ anh Chín Tịnh, ở ấp Mỹ Phú, xã Hòa Mỹ, là một điển hình. Anh Tịnh cho biết, sau thời gian dài trồng mía không khá nên anh cải tạo đất sản xuất chuyển đổi cây trồng mới có hiệu quả. Lúc bắt đầu thực hiện mô hình trồng dưa gang, nhiều hộ dân trong vùng e ngại vì đầu ra không nhiều, sức mua thấp. Nhưng thực tế, sau 2 tháng rưỡi trồng và thu hoạch vụ dưa đầu tiên, các thương lái tìm đến nhà để thu mua với giá 5.000 đồng/kg, anh thu về khoản tiền lời trên 20 triệu đồng.
 
Anh Tịnh cho biết trái dưa gang có mùi thơm, tính hàn, tốt cho sức khỏe, thích hợp trồng trong mùa nắng, môi trường nước ngọt, lợ hay mặn đều có thể thích nghi. Dưa gang dễ chăm sóc, không tốn nhiều chi phí như lúa, mía, nhưng hiệu quả hơn nhiều, với diện tích chưa quá 3.000m2 dưa gang, anh thu hoạch được hơn 5 tấn dưa trái. Mỗi năm anh trồng được hai vụ từ cuối tháng 9 đến khoảng đầu tháng 3 âm lịch.
 
Trung bình một dây dưa có thể cho được 6-7 trái. Thấy anh Tịnh luân canh chuyển đổi cây màu có hiệu quả, nhiều hộ dân khác cũng bắt đầu chuyển đổi dần giống cây trồng. Ngoài giống dưa gang trồng theo mùa nắng, mùa mưa xuống, bà con còn trồng thêm các loại rau màu như bí đỏ lấy bông lấy đọt, bí xanh, bầu, mướp, dưa leo, khổ qua... Việc luân phiên canh tác đã góp phần cải tạo đất, hạn chế mầm bệnh lưu dẫn gây ảnh hưởng năng suất cây trồng cho mùa vụ sau. Nhờ vào ý chí và sự mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất nên gia đình anh Tịnh cũng như nhiều hộ trồng màu khác được trúng mùa, đời sống dần ổn định.
 
Bài, ảnh: QUANG HẢI - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản