Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch hơn 65.000ha lúa Đông xuân.
Trái hẳn với không khí nhộn nhịp, phấn khởi vào đầu vụ thu hoạch lúa Đông xuân (cuối tháng 2 vừa qua) do năng suất và giá bán ở mức cao thì hiện tại nông dân trên nhiều cánh đồng vào mùa cắt lúa Đông xuân cuối vụ trong tỉnh lại cảm thấy tiếc nuối vì không được hưởng niềm vui trọn vẹn dù năng suất lúa cũng đạt ở mức khá cao.
Ông Trần Văn Minh, ở ấp 2, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, thông tin: “Vụ Đông xuân này, gia đình tôi canh tác được 1,5ha lúa, với giống OM 5451. Trước khi cắt lúa khoảng nửa tháng, tôi và nhiều hộ dân nơi đây đã thống nhất với “cò lúa” là nhận tiền cọc bán lúa tươi ngay sau khi cắt với giá 6.500 đồng/kg, còn giống Đài thơm 8 là 6.800 đồng/kg và đây được xem là giá bán cao nhất trong khoảng 10 năm qua. Thế nhưng, niềm vui ấy chưa được bao lâu khi còn ít hôm nữa là đến ngày cắt theo thỏa thuận thì “cò lúa” đến bảo giá lúa giảm nên mong bà con hạ giá thu mua xuống đối với giống OM 5451 chỉ còn 6.100 đồng/kg, giống Đài thơm 8 là 6.400 đồng/kg như lúc này. Trường hợp nông dân không đồng ý thì “cò lúa” sẽ bỏ tiền cọc và không cân lúa. Nhận thấy tình hình khó khăn nên bà con đành bóp bụng chấp nhận chịu thiệt về mình”.
Giá lúa giảm mạnh làm cho bà con kém vui khi đang thu hoạch lúa Đông xuân cuối vụ.
Cùng tâm trạng, ông Lương Hữu Thanh, ở phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, cho hay: “Gia đình tôi vừa bán xong 5 công lúa (giống ST 24) cho thương lái. Qua theo dõi thông tin đại chúng, tôi thấy bà con bán lúa Đông xuân sớm được mùa, trúng giá nên lúc đầu rất phấn khởi. Thế nhưng, khi đến lượt mình thu hoạch, tuy năng suất lúa cũng đạt hơn một tấn/công nhưng niềm vui lại không trọn vẹn vì mất thu nhập và nguồn lợi nhuận giảm. Cụ thể, lúc lấy tiền cọc bán lúa cho thương lái với giá là 7.000 đồng/kg; nhưng đến ngày cân lúa, thương lái nói giá lúa giảm nên hạ xuống chỉ còn 6.500 đồng/kg. Như vậy, với 5 tấn lúa có được thì việc giảm 500 đồng/kg nên trước mắt gia đình tôi mất 2,5 triệu đồng”.
Không chỉ giá lúa giảm, mà theo ghi nhận từ nhiều hộ dân đang thu hoạch lúa Đông xuân cuối vụ tại một số địa phương trong tỉnh được biết hiện tình trạng “cò lúa” thường xuyên điều động máy cắt vào thu hoạch lúa cho bà con trong lúc này đều quá ngày so với thời gian sinh trưởng của cây lúa. “Thông thường, giống lúa OM 5451 từ khi xuống giống đến thu hoạch chỉ mất khoảng 95 ngày, chậm lắm thì cũng tăng thêm 2-3 ngày là đã chín rục hết rồi. Đằng này, “cò lúa” để cho bà con ở cánh đồng này phải đợi lúa đến 103 ngày mới cho máy cắt vào thu hoạch, có cánh đồng còn nhiều hơn. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt như thế này, nếu thu hoạch lúa quá ngày thì cứ trễ một ngày thì hạt lúa khô thêm một ít ngay trên bông lúa. Do đó, dù chưa cân nhưng với việc cắt trễ từ 5-8 ngày thì năng suất lúa sẽ giảm là điều khó tránh khỏi”, ông Trần Văn Minh, ở ấp 2, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, thông tin thêm.
Với việc giá lúa tươi trên địa bàn tỉnh đang giảm bình quân từ 300-400 đồng/kg (tùy giống) cùng với nhiều hệ lụy khác đang diễn ra đã tạo sự bức xúc cho nông dân. Bởi cách nay không lâu (gần cuối tháng 3 vừa qua), tại Hội nghị sơ kết sản xuất, trồng trọt vụ Đông xuân 2020-2021, triển khai kế hoạch vụ Hè thu, Thu đông và vụ mùa tại Nam bộ do Bộ NN&PTNT tổ chức ở thành phố Cần Thơ thì lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam có báo cáo nhanh về tình hình xuất khẩu, tiêu thụ gạo của các doanh nghiệp Việt Nam trong những tháng đầu năm gặp nhiều mặt thuận lợi, từ đó kéo theo giá thu mua lúa Đông xuân ở mức cao. Ngoài ra, lãnh đạo đơn vị này cũng đưa ra dự báo về tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp nhiều thuận lợi trong thời gian tới nên giá bán lúa sẽ còn duy trì ở mức cao, qua đây tạo động lực cho người dân sản xuất hiệu quả ở các vụ lúa tiếp theo trong năm. Từ thông tin trên làm cho bà con trong tỉnh rất phấn khởi và kỳ vọng, nhất là những hộ thu hoạch lúa cuối vụ như hiện nay. Thế nhưng, thực tế trong lúc này lại không như đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
Mặt khác, nông dân đang thu hoạch lúa Đông xuân trong lúc này cũng đặt ra nghi vấn là không loại trừ khả năng chính cánh “cò lúa” cùng bắt tay với thương lái, doanh nghiệp ép giá bà con dù giá gạo trên thị trường quốc tế vẫn ở mức cao như dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhờ nhiều yếu tố từ chính sách điều tiết, cơ chế phân bổ thị trường và từ định hướng sản xuất lúa gạo (nhất là cơ cấu giống, mùa vụ) hợp lý của các ngành có liên quan từ Trung ương đến địa phương được triển khai từ đầu năm đến nay. Nếu trường hợp trên xảy ra thì một lần nữa, bài toán về cơ chế thị trường tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề cần được quan tâm cho ngành chức năng để người dân không còn chịu thiệt thòi, nhất là những hộ dân có điều kiện sản xuất, kinh tế khó khăn. Bởi, các diện tích lúa Đông xuân cuối vụ được thu hoạch trong lúc này đa phần tập trung ở những vùng bị ảnh hưởng bởi tình hình xâm nhập mặn, hạn hán trên địa bàn huyện Long Mỹ và một phần thị xã Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp. Vì vậy, hầu hết bà con ở những vùng này đều mong chờ đến ngày cắt và bán lúa ngay để có nguồn thu nhập phục vụ sinh hoạt gia đình nên đây là tâm lý quan trọng để “cò lúa” có thể khai thác. Thiết nghĩ, việc mua bán thì phụ thuộc vào thị trường nhưng phải đôi bên cùng có lợi, đừng vì lợi ích của một bên nào mà gây khó khăn cho phía ngược lại, nhất là đối với nông dân vất vả làm ra hạt lúa.
Qua ghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh, đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch hơn 65.000ha trong tổng số 77.021ha lúa Đông xuân đã xuống giống, ước năng suất bình quân đạt gần 7,9 tấn/ha. Trong đó, có hai địa phương đã thu hoạch dứt điểm là huyện Châu Thành A (8.176ha) và huyện Vị Thủy (17.188ha). Diện tích lúa Đông xuân chưa cắt còn lại tập trung ở huyện Phụng Hiệp (5.200ha), thị xã Long Mỹ (5.500ha), huyện Long Mỹ (1.700ha) và thành phố Vị Thanh (150ha).
|
Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)