Tìm hướng đi mới để trái xoài An Giang vươn xa

Thứ tư, 12 Tháng 5 2021 07:26 (GMT+7)
An Giang là tỉnh có diện tích xoài khá lớn đứng thứ 2 ở ÐBSCL với gần 10.000ha, chỉ đứng sau tỉnh Ðồng Tháp. Hiện xoài đang vào mùa thu hoạch rộ nên giá các loại xoài keo, xoài ba màu, xoài cát Hòa Lộc… trên địa bàn tỉnh có giảm nhẹ so với cùng kỳ những năm trước. Các vùng trồng xoài trong tỉnh đang hướng đến tiêu chuẩn chất lượng, liên kết đầu ra để ổn định lâu dài.
Phát triển ngành hàng xoài xuất khẩu trong mô hình tái cơ cấu nông nghiệp là hướng đi mới của ngành Nông nghiệp tỉnh An Giang. Trong ảnh: Thu hoạch xoài ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Phát triển ngành hàng xoài xuất khẩu trong mô hình tái cơ cấu nông nghiệp là hướng đi mới của ngành Nông nghiệp tỉnh An Giang. Trong ảnh: Thu hoạch xoài ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
 
Hiện nay, hơn 60% nhà vườn trồng xoài áp dụng kỹ thuật bao trái, giúp trái xoài nâng cao chất lượng. Ông Trần Phước Ðường, ở ấp Tân Phước, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, cho biết: Gia đình tôi có 10 công xoài cát Hòa Lộc, thay vì trước đây trồng theo truyền thống chỉ cho thu nhập 160-170 triệu đồng/năm. Hai năm nay gia đình áp dụng trồng xoài theo kỹ thuật mới có bao trái giúp tăng năng suất và bán được giá cao hơn, thu nhập từ 210-220 triệu đồng/năm.
 
Là một trong những đại lý chuyên thu mua xoài keo lớn nhất vùng biên giới huyện An Phú, Hợp tác xã (HTX) Long Bình không mua xoài nhập từ Campuchia mà tập trung liên kết tiêu thụ với nông dân trồng xoài keo ở các xã Khánh Bình, Khánh An và thị trấn Long Bình. Ông Huỳnh Thanh Minh, Giám đốc HTX Long Bình, cho biết: HTX vừa mua vào 10 tấn xoài keo để giao cho các doanh nghiệp đặt hàng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu qua các nước đòi hỏi chất lượng cao như Hàn Quốc, Úc, Nhật… HTX thành lập từ năm 2017 nhưng đến nay HTX Long Bình đã thu hút được 25 xã viên tham gia, diện tích liên kết trồng xoài keo trên địa bàn huyện An Phú khoảng 90ha. Các nông dân tham gia liên kết với HTX đều tuân thủ tốt quy trình canh tác an toàn, đảm bảo trái xoài không nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hoạt chất cấm.
 
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nhiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết: Ðối với các vùng đất sản xuất lúa kém hiệu quả, tỉnh chủ trương chuyển đổi sang rau màu, cây ăn trái. Ðến nay, diện tích cây ăn trái của tỉnh đạt hơn 13.000ha, chủ yếu là xoài, chuối, bưởi, cam, quýt… Trên thực tế, nông dân canh tác xoài đạt lợi nhuận cao hơn nhiều mô hình khác. Ðối với những vùng chuyên canh xoài như cù lao Giêng ở huyện Chợ Mới, tỉnh hỗ trợ hạ tầng, hệ thống thủy lợi, hướng nông dân trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ nông dân đạt chứng nhận chất lượng để xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ… Ðồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến, liên kết tiêu thụ xoài theo hướng bền vững, hạn chế rủi ro khi lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
 
Cách đây không lâu UBND tỉnh An Giang lần đầu tiên công bố xuất khẩu lô xoài sang Hoa Kỳ thông qua Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu (Bến Tre). Ðể trái xoài An Giang xuất khẩu ổn định qua thị trường Mỹ và chinh phục các thị trường khó tính khác trong tương lai. Vùng nguyên liệu trồng xoài lớn như các huyện: Chợ Mới, Tri Tôn và Tịnh Biên đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu về việc phối hợp sản xuất và xuất khẩu xoài tại 3 huyện nói trên.
 
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu cũng đã thống nhất hợp tác với huyện Tri Tôn và Tịnh Biên về xây dựng vùng nguyên liệu xoài, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật canh tác, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính, nhất là thị trường Mỹ.
 
Theo ông Lâm, để phát triển thương hiệu xoài An Giang xuất khẩu, thời gian tới ngành Nông nghiệp sẽ đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng xoài (mã code) tại những nơi chưa có mã code như Hội làm vườn An Sơn Bảy Núi, HTX Xoài VietGAP Bến Bà Chi và các vùng cần cấp tại các huyện: Chợ Mới, An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, thị xã Tân Châu và TP Long Xuyên. Hiện vùng xoài tại An Giang đã được cấp mã code đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là trên 20 mã, với tổng diện tích gần 300ha.
 
Năm 2020, diện tích xoài trong toàn tỉnh An Giang gần 9.700ha, trong đó có khoảng 7.700ha xoài 3 màu (xoài Ðài Loan). Hiện nay có khoảng 7.000ha xoài đang cho trái với sản lượng khoảng 95.000 tấn/năm, trong đó vụ chính chiếm 70-80% sản lượng, vụ muộn chiếm 20-30% sản lượng. Diện tích xoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên 200ha, sản lượng khoảng 1.900 tấn/năm. Tuy nhiên, thời gian qua việc tiêu thụ xoài phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nội địa và Trung Quốc. Gần đây xoài An Giang có thêm thị trường Hàn Quốc, Mỹ nhưng số lượng không đáng kể.
 
An Giang đang tập trung đẩy mạnh thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, nhằm chuyển đổi sản xuất, thích nghi với điều kiện thực tế, khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp. Giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi được hơn 31.130ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái. Các mô hình chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trước đây, trong đó, mô hình trồng xoài có thể đạt lợi nhuận từ 500-600 triệu đồng/ha sau 3 năm đầu tư...
 
 Bài, ảnh: LÊ VŨ - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản