Thị trường trái cây: Lo từ đầu vụ

Thứ hai, 17 Tháng 5 2021 10:22 (GMT+7)
Bước vào mùa thu hoạch nhiều loại trái cây trên địa bàn tỉnh, bên cạnh một số loại có giá khởi sắc từ đầu vụ thì nông dân và thương lái cũng còn nhiều trăn trở vì nhiều loại trái cây giá giảm và đầu ra hạn chế.
So với các loại trái cây khác, sầu riêng có giá khởi sắc và tiêu thụ ổn định từ đầu vụ. Ảnh: T.NGỌC
 
Sở hữu gần 2.000 gốc xoài Đài Loan, cả vườn nhà lẫn xoài lá (thuê vườn), ông Trương Văn Tuấn, ở ấp Tân Hưng, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, mới hết lo khi vừa bán xong 50 tấn trái cách đây vài ngày dù giá bán xô chỉ có 4.500 đồng/kg. Giá này đã giảm mạnh so với hồi tháng 11-2020, khi ông bán được đến gần 20.000 đồng/kg. Với nhiều nhà vườn trồng xoài Đài Loan hiện nay nỗi lo lớn hơn cả là tới thời điểm thu hoạch mà thương lái bặt tăm, có khi còn bỏ cả tiền cọc. Trái trên cây đã đến lứa, để lâu thì chín, hư, hao hụt. “Trồng xoài nhiều năm, biết rằng tùy theo mùa vụ và nhu cầu thì giá cả có biến động nhưng có thể thấy năm nay tình hình còn tệ hơn so với năm trước, trong khi giá xoài Đài Loan từ 9.000 đồng/kg trở lên người trồng mới có thể “sống” được. Cả đầu mối nội địa lẫn xuất khẩu đều giảm. Tôi rất mong ngành nông nghiệp, ngành công thương có giải pháp tháo gỡ và định hướng cho người dân để tránh thiệt hại, thoát cảnh được mùa mà mất giá”, ông Tuấn cho hay.
Giá mít tuy có sụt giảm, nhưng thương lái vẫn đẩy nhanh tiến độ thu mua cho nông dân. Ảnh: Q.HẢI
 
Không chỉ nhà vườn mà những thương lái, chủ vựa cũng đứng ngồi không yên. Anh Trần Văn Lô, chủ vựa trái cây tại thị trấn Ngã Sáu, chia sẻ: “Tôi đang đóng hàng khoảng 30 tấn xoài Đài Loan chuẩn bị xuất đi nhưng giá cả thông tin về cho vựa rất thấp, trái loại I là 5.000 đồng/kg còn loại II chỉ 2.000 đồng/kg. Trong khi thời gian trước đây, mỗi tuần hàng xuất đi từ 50-100 tấn. Với giá này cộng thêm chi phí chuyên chở, đóng gói và các phí khác, tôi không có lời thậm chí lỗ vốn, nhưng đã thỏa thuận thu mua cho bà con thì phải giữ lời, giữ mối làm ăn lâu dài nếu muốn tiếp tục gắn bó với nghề này”. Theo anh Lô, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 kéo dài và các đợt bùng phát dịch gần đây làm bạn hàng chợ trong nước lẫn các đầu mối xuất khẩu đều chậm “ăn hàng”.
 
Trong các mặt hàng trái cây thì sầu riêng còn giữ được giá tốt và tiêu thụ ổn định từ đầu vụ. Theo thông tin từ một số hộ trồng sầu riêng tại thành phố Ngã Bảy và huyện Châu Thành, thị trường trái sầu riêng có khả quan hơn so với nhiều loại trái cây khác, bởi nguồn cung từ các vùng trồng sầu riêng thế mạnh như Tiền Giang, Bến Tre giảm. Ảnh hưởng hạn, mặn từ mùa khô năm 2020 làm thiệt hại cho không ít vườn sầu riêng ở khu vực này.
 
Anh Nguyễn Quốc Cường, ở ấp Phú Lộc, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, cho biết dù còn khoảng hơn 20 ngày nữa vườn sầu riêng mới vào vụ thu hoạch nhưng hiện nay giá sầu riêng đầu vụ khá tốt. Ở địa phương, giá thu mua tại vườn từ 55.000-60.000 đồng/kg, tăng khoảng 5.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Năng suất tại vườn nhà anh có thể tương đương năm trước, 200 cây đang cho trái trung bình mỗi cây đạt khoảng 100kg/vụ. Năm trước, để bán được giá cao hơn, anh Cường để trái chín và thu hoạch dần cho đến hết vụ, vừa bán lẻ vừa bán cho một số đầu mối tiêu thụ trái cây. Tuy nhiên, trước tình hình tiêu thụ loại trái cây này đến nay khá ổn định nên đến lứa thu hoạch năm nay, anh Cường dự định sẽ liên hệ để bán cho thương lái dứt điểm trong vài đợt.
 
Bà Nguyễn Thị Thuyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thạnh Phước, ở ấp Đông Thuận, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, cho biết trước đây HTX mua chanh không hạt cho bà con trong và ngoài HTX thường ở mức 14.000-15.000 đồng/kg, nhưng gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình xuất khẩu chanh không hạt sang các nước Trung Đông, Campuchia gặp khó khăn. Nếu như những tháng trước, mỗi tuần HTX mua và xuất đi được từ 3-4 thùng container, tương đương 75-100 tấn chanh không hạt sang các nước này thì nay chỉ một tuần/thùng/chuyến. Do tình hình xuất khẩu đang gặp khó khăn, mặt hàng chanh không hạt chỉ tiêu thụ nội địa nên giá cả từ đó cũng giảm xuống còn 9.000-10.000 đồng/kg và sức mua cũng chỉ còn khoảng 3-4 tấn/ngày. 
 
Với vẻ mặt kém vui, anh Nguyễn Văn Tiến (Hai Tiến), ở ấp Đông Lợi, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, cho rằng không chỉ có chanh không hạt gần đây bị mất giá mà ngay cả mít Thái siêu sớm cũng tuột giá thê thảm. Mới cách đây vài hôm, nhiều thương lái cũng như chủ vựa trên địa bàn huyện còn mua mít trái với giá 18.000-20.000 đồng/kg thì nay giảm xuống xuống còn 8.000 đồng/kg, nhưng phải là mít loại I, từ 9kg/trái trở lên. Trái phải tròn đều bóng láng, riêng mít loại II dưới 9kg/trái giá giảm xuống chỉ còn 2.000 đồng/kg, với mức giá này nếu kéo dài thì nông dân trồng mít coi như khó kiếm được tiền lời.
 
Cùng chung nỗi lo về giá cả, nhưng anh Út Lâm, anh Hai Thuộc, ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, không vì rẫy dưa hấu của mình bán không được giá cao mà lấy đó làm buồn. Tâm sự với chúng tôi, anh Lâm cho biết những ngày trước khi tình hình dịch Covid-19 chưa diễn biến phức tạp thì thương lái đến ngã giá đặt mua 5.000 đồng/kg tại rẫy. Do tình hình tiêu thụ khó khăn nên giờ thương lái hạ giá xuống còn 3.000 đồng/kg, nhưng phân loại đủ điều. Nhận thấy đây là khó khăn chung không chỉ có nông dân, mà ngay cả thương lái mua đi bán lại cũng vậy nên anh và một số hộ khác ở đây tìm cách chia nhau bán lẻ.
 
Theo các ngành chức năng, nông sản, trái cây tiêu thụ chậm là do người dân hạn chế đi lại, nhiều khu vui chơi giải trí cũng được tạm dừng để thực hiện ngăn ngừa dịch bệnh theo khuyến cáo của các cấp chính quyền. Giá cả nông sản có sụt giảm cũng chỉ mang tính nhất thời, sau khi dịch được khống chế, giá cả hàng hóa rồi sẽ trở lại trạng thái bình thường, nông dân cần bình tĩnh.
 
Tại Hội nghị thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong dịch Covid-19, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp khẳng định cần có giải pháp thúc đẩy tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu, nhất là nhiều loại nông sản đang vào mùa thu hoạch. Điều chỉnh sản xuất, tăng cường bảo quản, chế biến để ứng phó với bối cảnh dịch bệnh. Bên cạnh đó cần bám sát tình hình lưu thông hàng hóa, giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống, khai thác các thị trường tiềm năng và đẩy mạnh toàn diện tiêu thụ trong nước nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho nông dân và doanh nghiệp.
T.NGỌC - Q.HẢI - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản