Nông dân tham quan, tìm các giống lúa OM được trồng khảo nghiệm tại Viện Lúa ĐBSCL.
Các giống lúa OM không chỉ phát triển trồng ở vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm của cả nước là ÐBSCL mà còn trồng tại nhiều vùng miền trong cả nước như miền Trung, Tây Nguyên và phía Bắc, nhất là các giống OM 4900, OM 6162, OM 4218, OM 7347...
Theo điều tra của Viện Lúa ÐBSCL, trong 10 giống lúa chủ lực được gieo trồng phổ biến nhất và có diện tích gieo trồng cao nhất tại ÐBSCL đã có 6 giống do Viện chọn tạo. Trong đó, chỉ riêng 4 giống lúa chủ lực: OM 5451, OM 6976, OM 18, OM 4900 đã chiếm 40-60% diện tích trồng lúa ở vùng ÐBSCL và đóng vai trò chủ lực trong nhóm gạo xuất khẩu của nước ta hiện nay. Còn theo kết quả điều tra gần đây của Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích sử dụng các giống lúa OM chiếm khoảng 65-70% tổng diện tích gieo trồng ở ÐBSCL.
Theo ngành Nông nghiệp tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL, các giống lúa OM với lợi thế có thời gian sinh trưởng ngắn từ 90-100 ngày, với năng suất, chất lượng cao và một số nhóm giống OM còn cho sản phẩm gạo thơm, có khả năng chống chịu tốt với phèn, mặn nên được nông dân lựa chọn để gieo trồng, nhất là trong vụ hè thu. Tại TP Cần Thơ, vụ hè thu 2021, nông dân gieo trồng được 75.166ha lúa, trong đó giống OM 5451 chiếm tỷ lệ 73,2%, giống OM 380 chiếm tỷ lệ 5,9%, OM 18 chiếm 2,9%...
Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)