Do điều kiện sản xuất không thuận lợi nên người nuôi tôm sú vùng phèn mặn xã Lương Nghĩa nhận định khả năng vụ tôm đang thả nuôi sẽ thất thu.
Xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ là địa phương thường chịu ảnh hưởng nặng của tình hình xâm nhập mặn vào mùa khô hàng năm, với nồng độ mặn xuất hiện trên sông Ngan Dừa phổ biến hơn 10‰, có năm độ mặn đỉnh điểm lên tới 18‰, riêng mùa khô vừa qua là 11,8‰. Chính tình hình xâm nhập mặn diễn ra gay gắt nên nông dân tại các vùng ảnh hưởng nặng do xâm nhập mặn của xã Lương Nghĩa chỉ sản xuất một vụ lúa/năm (là vụ lúa Đông xuân).
Thế nhưng, từ đợt mặn lịch sử năm 2016 đến nay, nhiều hộ dân ngoài vùng đê bao ngăn mặn thuộc ấp 6, xã Lương Nghĩa, đã lấy nguồn nước mặn từ sông Ngan Dừa để thực hiện mô hình nuôi tôm sú nhằm kiếm thêm nguồn thu nhập cho gia đình trong những tháng nhàn rỗi thay vì bỏ đất trống sau khi thu hoạch vụ lúa Đông xuân như trước đây. Thực tế nhiều năm nuôi tôm cho thấy, mô hình đã mang lại nguồn thu nhập hấp dẫn cho bà con. Tuy nhiên, theo nhận định của nông dân nơi đây thì niềm vui tôm trúng mùa, cho lợi nhuận cao có thể khó xuất hiện trong đợt nuôi tôm năm nay.
Chia sẻ nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Rạng, hộ có gần 5ha tôm và là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) tôm - lúa Tân Tiến, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, thông tin: “Tôi và nhiều bà con nơi đây bắt đầu thả tôm giống xuống ruộng đến nay đã được gần 30 ngày. Lúc mới thả thì độ mặn trong ruộng khoảng 7-8‰. Thế nhưng, năm nay nước mặn rút sớm hơn so với mọi năm và cộng thêm thời gian gần đây xuất hiện mưa dầm liên tục làm cho độ mặn giảm nhanh và đang ở mức thấp. Cụ thể, độ mặn trên sông Ngan Dừa hiện chỉ còn dưới 1‰, trong khi vào thời điểm này mọi năm thì ở mức 5-6‰. Còn độ mặn trong ruộng nuôi tôm chỉ hơn 1‰ do nước mưa làm pha loãng. Chính độ mặn giảm là yếu tố bất lợi cho bà con nuôi tôm trong lúc này”.
Theo nhiều nông dân đang nuôi tôm tại xã Lương Nghĩa, con tôm sú chịu nguồn nước mặn có nồng độ từ 5-7‰, khi đó tôm khỏe mạnh và phát triển nhanh. Còn khi độ mặn dưới 4‰ thì tôm hạn chế lột vỏ nên rất chậm lớn; còn độ mặn như hiện tại thì không chỉ làm tôm chậm lớn mà chuyện tôm chết hàng loạt là khó tránh khỏi. Vì vậy, người nuôi tôm nơi đây cho rằng, nguy cơ sẽ thất thu vụ tôm là rất lớn.
“Với gần 5ha tôm của gia đình, năm rồi nhờ nuôi đạt nên sau gần 3 tháng, gia đình tôi xổ tôm và thu về nguồn lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Sang vụ nuôi tôm năm nay, tôi cũng thả 100.000 con tôm giống, với giá dao động từ 130-250 đồng/con giống nên chi phí đã bỏ ra đến nay là hơn 15 triệu đồng. Tuy nhiên, trước điều kiện nguồn nước như hiện nay thì tôi chỉ mong huề vốn là mừng. Hiện tại, không riêng gì tôi mà 20 thành viên, với 27ha tôm của HTX cũng như nhiều hộ dân bên ngoài nơi đây đều có chung hoàn cảnh”, ông Rạng thông tin thêm.
Mặc dù đối mặt với nguy cơ thất vụ tôm, nhưng theo nhận định của người nuôi tôm thì nông dân có khả năng sẽ không bị thua lỗ mà chỉ là không có lời như những vụ tôm trước. Nguyên nhân là do hầu hết bà con nơi đây nuôi tôm theo hình thức thả tự nhiên nên không tốn tiền mua thức ăn cho tôm trong suốt quá trình nuôi, chỉ tốn kinh phí mua tôm giống và thuốc cải tạo môi trường nuôi.
Dù không trúng mùa nhưng người nuôi vẫn có thể thu hoạch được một lượng tôm để bán. Bên cạnh đó, ngoài con tôm thì nông dân còn thu hoạch một lượng lớn cá rô phi và cá đồng để bán cho thương lái. Từ nhiều nguồn thu nên bà con có thể huề vốn chứ không thua lỗ với mô hình tôm - lúa tại vùng đất phèn mặn xã Lương Nghĩa từ năm 2016 đến nay.
Ông Võ Minh Tuấn, hộ có 3ha nuôi tôm ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, chia sẻ: “Làm ăn thì có năm này năm khác nên tuy có tiếc nuối vì nhiều khả năng phải đối mặt với vụ tôm thất mùa sắp tới do điều kiện canh tác không thuận lợi, nhưng tôi và bà con vẫn có gắng lạc quan trước tình hình. Nếu thất vụ tôm thì bù lại vụ sản xuất lúa kế tiếp sẽ gặp nhiều mặt thuận lợi. Chẳng hạn, ruộng lúa đã nuôi tôm do đất được ngâm trong nước khá lâu nên hạn chế cỏ dại và khi chuyển sang trồng lúa thì rất nhẹ bón phân, từ đó giảm được chi phí đầu tư mà lúa vẫn phát triển tốt, cho năng suất cao”.
Qua ghi nhận của ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ, hiện mô hình tôm - lúa trên địa bàn huyện có hơn 90ha, với hơn 65 hộ nuôi và tập trung chủ yếu ở ấp 6, xã Lương Nghĩa.
|
Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC - (baohaugiang.com.vn)