Giải pháp giúp vườn sầu riêng trĩu quả

Thứ hai, 07 Tháng 6 2021 22:23 (GMT+7)
Với tính tiên phong và ham tìm tòi học hỏi, cũng như đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hiện vườn sầu riêng của lão nông Lê Hồng Phúc (61 tuổi)

Ở ấp Láng Hầm, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, được nhiều người trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi, bởi những hiệu quả mang lại.
 
Ông Phúc kiểm tra hệ thống ống dây dẫn phun thuốc cho vườn sầu riêng của mình.
 
Mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới
 
Cái tên Hồng Phúc không chỉ gắn liền với tên hợp tác xã (HTX) do ông Phúc đang làm giám đốc với tổng số 12 thành viên (15ha chủ yếu trồng sầu riêng) mà Hồng Phúc còn được bà con trong ấp Láng Hầm biết đến là người đầu tiên mang cây sầu riêng (giống Ri6) về phát triển vùng quê từ năm 2010 đến nay. Trước khi cây sầu riêng về bám đất nơi đây thì bà con xứ này canh tác cam sành, quýt… Nhưng do nhiều năm sản xuất, những loại cây trồng này bị bệnh nên phần nào ảnh hưởng đến nguồn thu nhập và đời sống người dân.
 
Ông Phúc chia sẻ: “Khi bà con loay hoay trong việc chọn cây trồng nào để thay thế vườn cây bị bệnh thì tình cờ tôi có dịp đi tỉnh Tiền Giang và phát hiện giống sầu riêng Ri6 của nhà vườn nơi đây cho năng suất, giá trị kinh tế cao.
 
Do đó, tôi quyết định chuyển 1,5/3ha đất vườn của gia đình sang trồng sầu riêng. Sau 4 năm trồng và chăm sóc, những quả ngọt đầu tiên của trái sầu riêng đã đến và cũng từ đó đến nay cuộc sống gia đình trở nên khấm khá hơn. Hiện tại, toàn bộ 3ha đất vườn của gia đình đều trồng sầu riêng (giống Ri6), trong đó cây có tuổi thọ cao nhất là 10 năm, còn thấp nhất là 6 năm.
 
Khi thấy hiệu quả kinh tế từ cây sầu riêng mang lại cho gia đình tôi nên dần dần bà con trong ấp đã nhân rộng mô hình và tổ chức thành lập HTX Hồng Phúc để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác hiệu quả với nhau, từ đó giúp các nhà vườn trong HTX và nhiều bà con xung quanh đều trở nên khá, giàu, nhà cửa khang trang với đầy đủ tiện nghi”.
 
Không chỉ tiên phong trong việc đưa giống cây trồng mới về vực dậy đời sống cho người dân quê hương, mà ông Phúc còn đẩy mạnh ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm sức lao động, chi phí đầu tư và bảo vệ sức khỏe cho nhà vườn. Theo đó, một trong những cách làm của ông đang tạo tiếng vang lớn đối với nhà vườn trồng sầu riêng trong tỉnh là việc ứng dụng công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật cho vườn sầu riêng bằng hệ thống phun sương thông qua mô tơ điện và máy dầu.
 
Để thực hiện mô hình, ông Phúc chia vườn sầu riêng của gia đình thành 2 phần (mỗi phần có diện tích 1,5ha). Trong đó, diện tích gần nhà ông sử dụng mô tơ điện loại 5 mã lực để dùng làm máy bơm; còn đoạn xa nhà do không có điện nên ông dùng máy dầu. Ở khoảng giữa mỗi phần của khu vườn, ông Phúc đặt thùng phuy loại chứa 1.000 lít nước dùng để pha thuốc bảo vệ thực vật.
 
Từ thùng phuy, ông Phúc làm hệ thống dẫn nước kết nối với những ống dây nhựa loại mềm có kích thước nhỏ để dẫn đến gốc và kéo lên đến tận đọt của mỗi cây sầu riêng có chiều cao từ 5-6m/cây. Phía trên cùng của ống dẫn nước nằm trên đọt mỗi cây sầu riêng có gắn bét xoay phun sương được cố định trong ống mũ có chiều dài 3-4m được buột chặt vào thân cây sầu riêng.
 
Khi bật cầu dao điện hay chạy máy dầu thì sức nén từ mô tơ hay máy dầu sẽ đưa thuốc bảo vệ thực vật được pha sẵn trong thùng phuy đi theo đường ống dẫn lên đến tận đọt để phun đều toàn thân cây sầu riêng với bán kính xung quanh khoảng 4m. Tổng các khoản chi phí đầu tư cho 3ha của việc ứng dụng mô hình trên là 70 triệu đồng.   
 
Nhiều ưu điểm
 
Ông Phúc cho biết việc ứng dụng mô hình trên mang lại nhiều ưu điểm. Trong đó, điều đầu tiên là giúp nhà vườn phun thuốc được dễ dàng hơn, bởi ai đã trồng sầu riêng thì biết rằng, do thân cây khá cao nên mỗi lần phun thuốc là không phải dễ dàng và mất nhiều thời gian, công sức. Ưu điểm kế tiếp là tiết kiệm chi phí và thời gian.
 
Vì trước đây mỗi lần phun thuốc 3ha vườn sầu riêng thì phải thuê nhân công phun trong 2 ngày, chi phí là 500.000 đồng. Còn 3 năm qua, từ khi áp dụng mô hình thì ông chỉ mất khoảng 10 phút cho một lần phun thuốc 3ha vườn sầu riêng, chi phí chưa đến 15.000 đồng tiền điện chạy mô tơ và dầu chạy máy. Khi áp dụng mô hình, nhà vườn hạn chế tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật nên ít ảnh hưởng đến sức khỏe.
 
Ngoài ra, thuốc bảo vệ thực vật được phun đều trên các mặt lá từ đọt đến gốc; từ đó việc phòng ngừa dịch hại trên cây sầu riêng đạt hiệu quả hơn rất nhiều. Mặt khác, để tránh ảnh hưởng đến những hộ xung quanh trong quá trình phun thuốc thì từ khi thực hiện mô hình đến nay ông chỉ phun thuốc vào lúc tối và lựa thời điểm ít gió thổi”.
 
Với cách làm trên, vườn sầu riêng của ông Phúc đã được nhiều nhà vườn trong tỉnh đến tham quan, học tập cách làm. Theo ông Phúc, đây là mô hình được ông học tập từ những nhà vườn ở Tiền Giang. Vì vậy, ông rất thấu hiểu tâm trạng của bà con trong tỉnh khi đến tham quan mô hình nên luôn sẵn sàng chia sẻ những gì mình biết được để khi bà con muốn đem về áp dụng tại vườn nhà mình thì có thể thành công và mang lại hiệu quả như chính ông đang làm.  
 
Không chỉ có mô hình trên mà ông Phúc còn ứng dụng giải pháp tưới nước bằng hệ thống phun tiết kiệm vào mùa khô cho vườn sầu riêng của gia đình được hơn 8 năm qua. Mục đích của mô hình này cũng nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và thích ứng với biến đổi khí hậu.
 
Mặt khác, thông qua trao đổi kinh nghiệm sản xuất hiệu quả được duy trì từ việc họp lệ 3 tháng/lần của các thành viên trong HTX mà vườn sầu riêng của ông Phúc và bà con đã hạn chế bệnh xì mủ làm chết cây, đây là một trong những loại bệnh mà người trồng sầu riêng e ngại nhất.
 
Ngoài ra, nhờ chăm sóc tốt, áp dụng kỹ thuật hiệu quả trong giai đoạn xử lý ra hoa, nhất là trong quá trình thụ phấn cho trái nên vườn sầu riêng của ông Phúc và bà con xã viên đều cho năng suất cao, tỷ lệ trái đạt yêu cầu nhiều, từ đó cho nguồn thu nhập cao.
 
Hiện tại, các vườn sầu riêng từ 10 năm tuổi trở lên ở HTX Hồng Phúc cho năng suất khoảng 10 tấn trái/ha, với giá bán hiện nay là 70.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, người trồng sầu riêng kiếm được nguồn lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/ha.
 
Ông Nguyễn Vĩnh Thọ, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành A, cho biết: Ngành nông nghiệp huyện đánh giá cao những ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mà ông Phúc đang áp dụng cho vườn sầu riêng của gia đình mình, nhất là hệ thống phun thuốc được đầu tư khá bài bản.
 
Cách làm này giúp nhà vườn tiết kiệm nước, thuốc, giảm công chăm sóc và mang lại hiệu quả phòng trừ sâu bệnh cao. Ngoài ông Phúc thì hiện trên địa bàn huyện còn có một số hộ trồng sầu riêng và xoài áp dụng hình thức tương tự nhưng số lượng chưa nhiều. Hiện Trạm Khuyến nông huyện đang đánh giá tính hiệu quả của việc ứng dụng trên và đề ra giải pháp nhân rộng trong thời gian tới…
 
Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản