Sản xuất quy mô lớn, chất lượng cao
Ðến nay, TP Cần Thơ hình thành được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, thực hiện liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên cả các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Ðặc biệt, đối với cây trồng chủ lực là lúa, việc tăng cường liên kết, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp giảm chi phí, tăng năng suất lúa, chất lượng và duy trì sản lượng lúa đạt trên 1,3 triệu tấn/năm, với phần lớn là các loại lúa gạo thơm và chất lượng cao.
Cần Thơ đã tích hỗ trợ nông dân xây dựng và nhân rộng mô hình cánh đồng lớn (CÐL) để nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo. Mô hình này được triển khai từ vụ hè thu 2011, với quy mô ban đầu chỉ có 400ha tại huyện Vĩnh Thạnh, đến nay được nhân rộng đạt trên 30.000ha vụ, với hơn 23.300 hộ dân tham gia và trong CÐL đã hình thành 10.000ha lúa sạch, 100ha sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn Global GAP và 360ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. CÐL đã tạo điều kiện để nông dân đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trên quy mô lớn và thuận lợi trong kết nối với doanh nghiệp để bán sản phẩm được giá cao, nhờ vậy nông dân có thể tăng lợi nhuận từ 2-5 triệu đồng/ha/vụ.
Vụ hè thu 2021, nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ xuống giống được 75.194ha lúa, trong đó tỷ lệ gieo trồng các giống lúa chất lượng cao và lúa thơm chiếm hơn 90% trên tổng diện tích. Trong ảnh: Nông dân ở huyện Thới Lai cắt bỏ bông cỏ và lúa lộn trên ruộng lúa vụ hè thu để đảm bảo chất lượng hạt lúa khi thu hoạch.
Cần Thơ cũng hỗ trợ nông dân xây dựng các vùng chuyên canh trồng rau màu, cây ăn trái tập trung và nuôi thủy sản theo hướng tiêu chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Cụ thể, thành phố đã mở rộng 18 vùng sản xuất rau an toàn tập trung tại các quận, huyện, với tổng diện tích 229ha, với sản lượng hơn 28.390 tấn/năm. Thành phố có hơn 21.620ha cây ăn trái các loại và hiện đã hình thành các sản phẩm cây ăn trái đặc trưng có thương hiệu và vùng sản xuất tập trung như: vùng sản xuất xoài tập trung với tổng diện tích khoảng 2.469ha, nhãn 996ha, vú sữa 975ha, sầu riêng 789ha, dâu Hạ Châu 443ha… Trong đó, có 268ha cây ăn trái của 339 hộ dân thuộc các HTX và tổ hợp tác đạt chứng nhận VietGAP và Global GAP. Thành phố cũng hình thành hơn 190 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung và phát triển vùng nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn an toàn như: VietGAP, Global GAP, ASC, SQF, BMP… với tổng diện tích đạt 339ha.
Tiếp tục hỗ trợ nông dân
Ðể xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại và giá trị gia tăng cao, ngành nông nghiệp thành phố tiếp tục rà soát và tổ chức thực hiện có hiệu quả Ðề án tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Phổ biến, chuyển giao các giống cây trồng mới có chất lượng và giá trị cao vào sản xuất. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực. Ðồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết, mô hình CÐL đã phát huy nhiều hiệu quả tích cực nâng cao chất lượng lúa gạo, đặc biệt là hình thành các vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao, tập trung gieo sạ đồng nhất một loại giống. Tới đây, ngành Nông nghiệp thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân nhân rộng, phát triển mô hình CÐL sản xuất lúa, cũng như các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ các loại nông sản nói chung.
Ðồng thời, hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật và quy trình sản xuất nhằm đảm bảo sản phẩm an toàn, đạt các tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn thực hiện quảng bá, kết nối nông dân với các đơn vị tiêu thụ. Về lâu dài, để đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm nông sản, ngành Nông nghiệp cũng tham mưu, đề xuất UBND về các giải pháp nhằm đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, phát triển các nhà máy bảo quản và chế biến nông sản…
Việc đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất luôn được ngành Nông nghiệp và cùng các sở, ngành thành phố thúc đẩy để giữ vững tốc độ phát triển, đảm bảo năng suất, chất lượng và sản lượng nông sản, cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích. Hướng tới phát triển nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, thích ứng với điều kiện mới và sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Mỗi năm Cần Thơ đã tổ chức hàng trăm cuộc hội nghị, hội thảo và rất nhiều hoạt động tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nhằm giúp nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp.
Ðồng thời, ngành Nông nghiệp cũng triển khai nhiều chương trình, dự án và mô hình giúp nông dân giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập trong sản xuất như: dự án VnSAT, dự án sáng kiến phát triển lúa gạo châu Á, chương trình hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi… Theo ông Trần Thái Nghiêm, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp cần thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, ngành Nông nghiệp Cần Thơ đã chuyển đổi từ các hội thảo, lớp tập huấn trực tiếp sang các hình thức online, tăng cường hướng dẫn kỹ thuật bằng các tài liệu, video.
Sở đã giao Trung tâm dịch vụ nông nghiệp và các đơn vị chuyên môn đẩy mạnh công tác khuyến nông thông qua quá trình quản lý sản xuất, từng thời điểm có giải pháp tuyên truyền, khuyến cáo qua đài truyền thanh các quận, huyện và xã để hướng dẫn nông dân sản xuất. Chú ý chuyển kinh phí từ tổ chức các lớp tập huấn sang xây dựng các video clip hướng dẫn kỹ thuật theo các chuyên đề cụ thể để đưa lên cổng thông tin điện tử của đơn vị và các trang mạng xã hội cho nhiều người được tiếp cận.
Cùng với triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thời gian qua Cần Thơ đã triển khai các nghị quyết, chương trình, dự án thúc đẩy phát triển nhanh, toàn diện nông nghiệp theo hướng hiện đại, xanh, sạch, đa dạng và bền vững. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển giao thông thủy lợi và các cơ sở hạ tầng nông nghiệp nói chung để chủ động sản xuất ở quy mô lớn đáp ứng yêu cầu hội nhập và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Đầu tư, chuyển giao khoa học, công nghệ cho nông dân và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp để tạo động lực cho tăng trưởng, phát triển. Tổ chức lại sản xuất các sản phẩm chủ lực ở quy mô lớn, tập trung, hiện đại, thực hiện liên kết theo chuỗi để nâng cao giá trị gia tăng.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)