Các loại cá biển, nhuyễn thể, cua biển, rong biển... là những loài thích hợp cho phát triển nuôi biển tại ĐBSCL. Ảnh: CTV
Nhiều tiềm năng
Tại buổi Tọa đàm trực tuyến phát triển bền vững nuôi biển ÐBSCL do Khoa Thủy sản, Trường Ðại học Cần Thơ phối hợp với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam tổ chức, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA), khẳng định: Nhiều nước trên thế giới đang hướng đến việc nuôi biển xa bờ và cả nuôi biển trên đại dương. Tại Việt Nam, nhận thấy được tiềm năng này, Nhà nước cũng đã đề ra nhiều chính sách phát triển kinh tế biển. Ðáng chú ý là Nghị quyết 36/NQ-TW năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030 tầm nhìn 2045; Nghị quyết 26/NQ-CP năm 2020 về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW; Nghị định 11/2021/NÐ-CP ngày 10-2-2021 về giao khu vực biển cho tổ chức cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển; Quyết định 339/QÐ-TTg ngày 11-3-2021 phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Ðối với VSA, chúng tôi cũng đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển nuôi biển bền vững với UBND các tỉnh Quảng Ninh, Phú Yên, Khánh Hòa,…; đồng thời kiến nghị đến Chính phủ các chính sách và thể chế phát triển nuôi biển.
ÐBSCL, với 805.460ha mặt nước có thể phát triển nuôi trồng thủy sản; 732km bờ biển, nhiều sông lớn, nhiều cửa sông, bãi triều rộng, rừng ngập mặn; có trên 150 đảo lớn nhỏ, tập trung ở biển Tây là tiềm năng lớn phát triển nuôi trồng thủy sản ở cả 3 hình thức: ngọt, lợ và mặn. Theo GS.TS Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Ðại học Cần Thơ, ÐBSCL có lợi thế trong nuôi cá nước lợ và cá biển, với nhiều hệ thống nuôi có thể áp dụng như: nuôi kết hợp với tôm (tôm rừng, tôm lúa, tôm quảng canh cải tiến), nuôi lồng, nuôi bể… Ðể khai thác tiềm năng này, những năm qua, Khoa Thủy sản, Trường Ðại học Cần Thơ tập trung nghiên cứu, phát triển quy trình sản xuất giống cá nước lợ và cá biển. Trong đó, một số giống có thể kể đến như: cá bóp, cá nâu, cá đối, cá ngát, cá chốt, cá chim vây vàng với tỷ lệ sống ấu trùng đạt từ 7-60%.
Theo các chuyên gia, hiện một số loài thủy sản thích hợp cho phát triển nuôi biển tại ÐBSCL, như: cá biển, nhuyễn thể, cua biển, rong biển... Ðây là các dòng sản phẩm đang được thị trường trong nước lẫn quốc tế ưa chuộng, có nhu cầu nhập khẩu cao. PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Anh, Khoa Thủy sản, cho biết: Sản lượng rong biển tự nhiên ở ÐBSCL từ 4-10 triệu tấn, cho thấy nguồn lợi rong biển ở vùng này rất lớn. Trong đó, rong câu là loài có tiềm năng phát triển, nuôi trồng. Trên thực tế, rong biển đóng vai trò trong nhiều lĩnh vực như: thực phẩm; làm nhiên liệu sinh học; nuôi trồng thủy sản (nơi cư trú và làm thức ăn cho tôm cá); cải thiện môi trường nước; ứng dụng mô hình nuôi kết hợp, luân canh với tôm, cá, nhuyễn thể…
Gỡ khó, hướng đến phát triển bền vững
Mặc dù ngày càng được thâm canh, hiện đại hóa và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và ÐBSCL, song nghề nuôi biển đã và đang phải đối mặt với những khó khăn: dịch bệnh trên thủy sản; quy mô sản xuất chủ yếu nhỏ lẻ, hộ gia đình nên kinh phí đầu tư hạn hẹp; liên kết giữa trại nuôi với hệ thống cung cấp thức ăn, giống, chế biến, tiêu thụ, phân phối còn lỏng lẻo... Theo GS.TS Trần Ngọc Hải, nuôi thủy sản nước lợ ở ÐBSCL hiện nay chỉ tập trung vào con tôm biển; nuôi biển chỉ mới bắt đầu phát triển những năm gần đây và chủ yếu là nuôi cá biển. Mặt khác, do nuôi ở gần bờ nên xảy ra tình trạng ô nhiễm do hoạt động dân cư, tàu thuyền. Ðặc biệt, ÐBSCL đang đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển nuôi biển bền vững.
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp, nông dân của vùng ÐBSCL cần thay đổi tư duy, nhận thức. Trong đó, phải xem việc thâm canh và hiện đại hóa các mô hình nuôi biển là hướng đi phù hợp, tất yếu, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu và các thành tựu công nghệ 4.0 được ứng dụng rộng rãi. Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Khoa học kỹ thuật REECO, nhấn mạnh: Công tác quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản là vô cùng quan trọng nhưng hiện nay chủ yếu chỉ được làm thủ công. Vì vậy, doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã cần đầu tư cho hệ thống này nhằm sớm phát hiện các yếu tố nguy cơ tác động xấu đến môi trường nuôi trồng thủy sản. Các thông tin này phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất; kịp thời cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp xử lý, phòng ngừa khi môi trường thủy sản mất an toàn, giảm thiểu tối đa thiệt hại...
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Nhà nước cần hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến hải sản đầu tư xây dựng trại nuôi biển công nghiệp; mở rộng chuỗi giá trị theo hướng tạo nguồn nguyên liệu và hậu cần dịch vụ phục vụ nuôi biển công nghiệp tại ÐBSCL. Ðồng thời, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các bộ ngành, viện trường, địa phương và doanh nghiệp, nông dân trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất kinh doanh hướng đến sự phát triển hiện đại và bền vững của ngành thủy sản. Ngoài ra, cần tích hợp đa ngành trong phát triển nuôi biển. Ðơn cử, có thể sử dụng các giàn khoan dầu khí đã cạn thành trung tâm phục vụ nuôi biển khơi; phát triển đa dạng các hoạt động du lịch biển mới kết hợp với các trại nuôi biển xa bờ; kết hợp hệ thống điện gió với các vùng nuôi hải sản theo hệ IMTA; nghiên cứu phát điện bằng năng lượng tái tạo trên biển và phát điện bằng sinh khối vi tảo…
MỸ THANH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)