Nhiều loại cây ăn trái được trồng tại Cần Thơ được đánh giá cao về chất lượng. Trong ảnh: Trái cây được bày bán tại một điểm kinh doanh ở huyện Phong Ðiền.
Khẳng định hiệu quả
Bà Trần Thị Kim Miên ở ấp Tân Long, xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền có 4 công đất trồng dừa được 6 năm tuổi, cho biết: “Nhờ chuyển từ đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái mà thời gian qua gia đình tôi đã có thu nhập khá ổn định, đỡ vất vả hơn so với làm lúa. Hiện mỗi tháng tôi thu hoạch hơn 600 trái dừa tươi, thương lái đến thu mua tận vườn, giá từ 50.000-60.000 đồng/chục, tùy thời điểm, cho thu nhập ổn định ở mức từ 3 triệu đồng/tháng trở lên. Nhu cầu tiêu thụ dừa tươi rất lớn, không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19”.
Dù đầu ra xuất khẩu có phần gặp khó do dịch COVID-19 nhưng giá nhiều loại trái cây ngon, đặc sản như sầu riêng, măng cụt... vẫn duy trì ở mức khá cao, đảm bảo thu nhập cho người trồng. Ông Nguyễn Thanh Tuấn ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai, có 7 công đất trồng sầu riêng hạt lép Ri 6, cho biết: “Năm nay, dù bước vào mùa thu hoạch rộ nhưng giá các loại sầu riêng hạt lép Ri 6 và Mỏn Thon được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua vẫn ở mức khá cao, từ 45.000-50.000 đồng/kg, còn hồi đầu vụ có giá lên đến hơn 60.000 đồng/kg. Với giá bán như năm nay và năng suất vườn sầu riêng đạt khoảng 2 tấn/công trở lên, nông dân có thể kiếm lời từ 50-70 triệu đồng/công. Do trồng cây ăn trái giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa nên người dân đã chuyển các diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Các loại cây ăn trái đang được người dân tại địa phương trồng nhiều là sầu riêng và nhãn”.
Năm nay nhiều nhà vườn trồng măng cụt vẫn dễ dàng tiêu thụ được sản phẩm với mức giá đảm bảo có lời. Măng cụt là loại trái cây ngon và chứa nhiều dưỡng chất tốt cho cho sức khỏe nên được nhiều người tiêu dùng tại thị trường nội địa ưa chuộng. Theo anh Trần Văn Thể ở ấp Trường Trung B, xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền, nhờ bán được giá và năng suất trái cũng đạt khá cao nên năm nay mỗi công đất trồng măng cụt, nhà vườn có thể kiếm lời tới 20 triệu đồng. Hồi đầu vụ, măng cụt được nhiều nông dân bán xô cho thương lái ở mức 60.000-65.000 đồng/kg. Còn hiện nay bước vào thu hoạch rộ, giá có giảm trở lại nhưng vẫn còn ở mức cao từ 30.000-40.000 đồng/kg trở lên.
Sản xuất an toàn theo nhu cầu thị trường
Dịch COVID-19 khiến đầu ra xuất khẩu gặp khó và sức tiêu thụ hàng tại thị trường trong nước cũng bị giảm nên giá nhiều loại trái cây đã bị giảm mạnh trong thời gian qua. Ðáng chú ý, giá nhiều loại xoài, dâu, mít,... đã giảm xuống ở mức rất thấp, chỉ còn 2.000-4.000 đồng/kg; hàng lựa giá cũng chỉ 5.000-8.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo nhiều nông dân, hiệu quả mang lại từ nhiều vườn mít, vườn xoài... vẫn cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa. Ðể nâng cao hiệu quả trồng cây ăn trái, ngoài việc đẩy mạnh sản xuất theo hướng chất lượng và an toàn, nhiều nông dân quan tâm áp dụng các giải pháp kỹ thuật để xử lý cho cây ra trái rải vụ nghịch mùa nhằm bán được giá cao, nhờ vậy có thể “bù” cho những thời điểm giá giảm thấp như hiện nay.
Ông Ðào Huy Lực ở xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai có 7ha mít Thái xen canh với sầu riêng, cho biết: “Trong các tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, giá mít Thái có nhiều thời điểm bán được giá lên đến 40.000-50.000 đồng/kg. Hiện nay, giá mít giảm thấp do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng nhờ trước đó đã chủ động hạn chế cho mít ra trái vào thời điểm này để tránh “đụng hàng” với nhiều loại trái cây khác nên tôi đã tránh được việc phải bán mít giá rẻ. Bù qua bù lại giữa thời điểm giá cao và giá thấp, tính ra thu nhập từ cây mít vẫn tốt hơn so với lúa”.
Theo anh Lực, mít được anh trồng xen cây sầu riêng nhằm lấy ngắn nuôi dài vì mít trồng chỉ 12 tháng là cho thu hoạch trái, còn sầu riêng phải 3 năm mới bắt đầu cho trái, tới đây khi sầu riêng cho trái anh sẽ chặt bỏ dần mít để nhường không gian phát triển cho sầu riêng.
TP Cần Thơ hiện có hơn 22.830ha cây ăn trái các loại, tăng hơn 1.200ha so với cuối năm 2020. Hiện hầu hết các loại cây ăn trái ngon, đặc sản và cây ăn trái chủ lực của vùng Nam Bộ đều đã được phát triển trồng tại Cần Thơ. Trong đó, các loại cây ăn trái có diện tích trồng lớn gồm: xoài 3.083ha, nhãn 2.664ha, vú sữa 1.465ha, cam 1.356ha, sầu riêng 1.342ha, chuối 1.321ha, mận 1.102ha, bưởi 830ha, chôm chôm 408ha, măng cụt 325ha... Tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã hình thành được nhiều vùng trồng cây ăn trái tập trung, chất lượng cao, sản xuất theo hướng an toàn gắn với nhu cầu thị trường, với sản lượng nhiều loại trái cây ngon, đặc sản cung ứng ra thị trường hằng năm khá lớn. Ðiển hình, như vùng xoài 2.386ha tại Thới Hưng - Cờ Ðỏ, Tân Phú, Phú Thứ - Cái Răng; vú sữa 685ha tại Giai Xuân, Trường Long - Phong Ðiền, Thới An Ðông - Bình Thủy; nhãn 689ha tại Thường Thạnh, Phú Thứ - Cái Răng, Tân Lộc - Thốt Nốt; dâu Hạ Châu 44ha tại Nhơn Ái - Phong Ðiền... Hiện mỗi năm, TP Cần Thơ có thể cung ứng ra thị trường hơn 143.150 tấn trái cây các loại. Thành phố cũng xây dựng và phát triển nhiều mô hình vườn cây ăn trái kết hợp với phát triển du lịch.
Ðến nay, nhiều diện tích trồng cây ăn trái tại thành phố cũng được cấp giấy chứng nhận sản xuất đạt theo VietGAP và các tiêu chuẩn an toàn, cũng như được cấp mã code vùng trồng để có thể truy xuất nguồn gốc. Thành phố có 16 hợp tác xã và tổ hợp tác trồng cây ăn trái đạt chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP, với diện tích 268ha.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, bên cạnh hỗ trợ cây giống, tập huấn kỹ thuật và thúc đẩy nông dân tăng cường tăng cường liên kết, sản xuất theo hướng tập trung, đạt các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường, thành phố cũng đã và đang tích cực hỗ trợ nông dân trong kết nối cung - cầu, quảng bá sản phẩm. Quan tâm kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết, bao tiêu sản phẩm trái cây cho nông dân và đầu tư phát triển các nhà máy chế biến, bảo quản trái cây.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)