Chiều 18-11, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM và Hội Nhà báo TP HCM đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu.
Quang cảnh buổi làm việc giữa đoàn Ban Tuyên giáo Thành ủy và Hội Nhà báo TP HCM với tỉnh Bạc Liêu
Từ đầu năm đến nay, kinh tế - xã hội Bạc Liêu đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy hải sản đạt 371.789 tấn, tăng hơn 8% so với cùng kỳ; 100 xã đạt chuẩn nông thôn mới; giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 48%; 91 sản phẩm được công nhận đạt OCOP… Đặc biệt, Bạc Liêu có 8 dự án điện gió hoàn thành, hòa vào lưới điện quốc gia với tổng công suất 469,2 MW.
Hiện Bạc Liêu đang gặp một số khó khăn như: thu hút nhà đầu tư còn hạn chế do kết cấu hạ tầng - kinh tế - xã hội, đặc biệt là giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh; tiến độ đầu tư một số dự án còn chậm; tổng thu ngân sách còn thấp; sản xuất của diêm dân gặp khó do ảnh hưởng của mưa trái mùa…
Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh
Thời gian tới, Bạc Liêu hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước; trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của quốc gia và trung tâm du lịch vùng ĐBSCL. Bạc Liêu cũng sắp tổ chức "Ngày hội văn hóa – du lịch và lễ hội dạ cổ hoài lang" với nhiều chuỗi sự kiện hấp dẫn.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, đánh giá cao sự phát triển của Bạc Liêu sau 25 năm tái lập tỉnh và cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của tỉnh Bạc Liêu khi TP HCM bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, đánh giá cao sự phát triển của Bạc Liêu
"Bạc Liêu cần xây dựng bản sắc văn hóa trong phát triển du lịch cũng như kết nối với TP HCM và các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL để tạo động lực phát triển liên kết vùng" – ông Khuê nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho hay dù không sinh ra và lớn lên ở Bạc Liêu nhưng có rất nhiều kỷ niệm đẹp trong quá trình công tác tại đây.
Bất kỳ địa phương nào muốn phát triển mạnh mẽ và đột phá thì giao thông phải đi đầu nhưng Bạc Liêu thì đang gặp khó khăn về vấn đề trên. Địa phương cần tiếp tục đầu tư để ngành tôm phát triển mạnh mẽ và trở thành "thủ phủ" của cả nước cũng như thu hút các nhà đầu tư lớn có tâm huyết, tiềm lực và uy tín… Tỉnh nên có kế hoạch phối hợp truyền thông cụ thể, chặt chẽ với các cơ quan báo chí để tăng cường tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước cũng như thành tựu của địa phương.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, phát biểu tại buổi làm việc
"Báo Người Lao Động đã phát động Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" vào 1-6-2019 tại Bạc Liêu nhân Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam. Sau hơn 3 năm triển khai, chương trình đã vượt mốc 1 triệu lá cờ và làm lễ tổng kết giai đoạn 1 tại TP HCM vào ngày 8-9. Đồng thời, phát động giai đoạn 2 mang tên "Tự hào cờ Tổ quốc" với 3 hợp phần là "Triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển", "Cờ Tổ quốc biên cương" và "Đường cờ Tổ quốc" – TS Tô Đình Tuân thông tin về chương trình.
Theo TS Tô Đình Tuân, trong giai đoạn 1, Báo Người Lao Động đã tặng Bạc Liêu 35.000 lá cờ Tổ quốc. Đợt này, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, Hội nhà báo Việt Nam và Báo Người Lao Động tặng thêm 10.000 lá cờ cũng như kết hợp xây dựng "Đường cờ Tổ quốc" tại những khu di tích lịch sử, địa chỉ đỏ để làm nơi về nguồn, giáo dục thế hệ trẻ.
Ông Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, cho biết trong quá trình tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp xuất thân từ Bạc Liêu thì rất nhiều người có nhu cầu thông tin về quê hương.
"Tôi mong lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cung cấp nhanh, chính xác nhất về các sự kiện lớn để cơ quan báo chí chủ động thông tin, tuyên truyền kịp thời. Tự bản thân cơ quan báo chí cũng có nhu cầu được đón nhận thông tin để chia sẻ, tổ chức tin, bài giới thiệu về Bạc Liêu" - ông Phong đề nghị.
Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP HCM Mai Ngọc Phước chia sẻ với tỉnh Bạc Liêu về việc chưa có sân bay, cảng biển, đường cao tốc đấu nối. Tuy nhiên, Bạc Liêu cũng có rất nhiều lợi thế về du lịch bởi hệ thống chùa Khmer, các nhà thờ nổi tiếng, nơi đờn ca tài tử, nhất là tỉnh đang hướng đến trở thành thủ phủ của năng lượng sạch, phát triển hướng ra biển...
"Trong điều kiện chưa có đường cao tốc, sân bay, cảng biển thì Bạc Liêu có thể lấy ngắn nuôi dài bằng cách tăng cường sự quảng bá về thế mạnh du lịch của tỉnh. Đây là những đặc trưng, đặc sản cần tăng cường truyền thông, quảng bá để du khách biết mà đến với Bạc Liêu nhiều hơn" - ông Phước nói.
Ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhấn mạnh Bạc Liêu cần gắn bó với TP HCM về mặt truyền thông vì đây là trung tâm truyền thông lớn nhất của cả nước.
Ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - mong muốn Bạc Liêu tạo điều kiện thuận hơn nữa cho cơ quan báo chí.
"Bạc Liêu là vùng đất rất nghĩa tình. Chúng tôi mong muốn Bạc Liêu sẽ xây dựng một cơ chế để truyền tải thông tin nhanh, nhiều hơn và thuận lợi cho các cơ quan báo chí. Đồng thời, phối hợp tổ chức các khóa đào tạo để nâng cao trình độ cho đội ngũ làm báo" – ông Dũng đề xuất.
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cảm ơn những chia sẻ, đóng góp của thành viên trong đoàn công tác
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng gửi lời cảm ơn đến ông Phan Nguyễn Như Khuê và các đại biểu tham gia cùng đoàn đã có những chia sẻ thẳng thắn để Bạc Liêu ngày càng phát triển.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Bạc Liêu chụp hình lưu niệm cùng đoàn công tác
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu còn chỉ đạo các sở, ban ngành của tỉnh sớm có kế hoạch tham mưu để thực hiện những vấn đề mà đoàn công tác chia sẻ. Qua đó, cùng xây dựng quê hương Bạc Liêu ngày càng phát triển và giàu mạnh.