Bạc Liêu phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tôm hàng năm là 5,28%. Riêng năm 2023, tỉnh Bạc Liêu đề ra chỉ tiêu xuất khẩu tôm đạt 1 tỷ USD.
Ao nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao tại phường Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu).
Trước những lợi ích và hiệu quả kinh tế cực lớn từ việc nuôi trồng thủy sản, nhất là con tôm, UBND tỉnh Bạc Liêu đã đề ra kế hoạch hành động thực hiện Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh để khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Bạc Liêu hiện đại, hiệu quả và bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trọng tâm là tôm ứng dụng công nghệ cao, quản trị hiện đại, liên kết chuỗi giá trị; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nuôi trồng thủy sản; đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, định hướng chung của Bạc Liêu trong thời gian tới là thu hút mời gọi các dự án đầu tư và chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, vật liệu mới, thân thiện môi trường và giải quyết nhiều lao động tại địa phương.
Bạc Liêu quyết tâm xây dựng tỉnh trở thành trung tâm của ngành công nghiệp tôm cả nước cả từ việc xây dựng hình ảnh, niềm tin đối với người tiêu dùng cả trong và ngoài nước; sản phẩm đến với người tiêu dùng phải ngon, sạch, chất lượng, an toàn.
Cụ thể, trong giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án "Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước".
Theo đó, diện tích nuôi trồng thủy sản là hơn 157.000 ha (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 2,24%/năm); trong đó diện tích nuôi tôm siêu thâm canh 6.000 ha (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 21,67%/năm); diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh 23.100 ha (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 1,17%/năm).
Sản lượng nuôi trồng thủy sản 480.000 tấn (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 13,25%/năm); trong đó sản lượng tôm 290.000 tấn (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 14,72%/năm); cá và thủy sản khác 190.000 tấn (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 11,2%/năm).
Đồng thời, tỉnh hình thành được vùng sản xuất giống tôm ứng dụng công nghệ cao, chủ động sản xuất, cung ứng từ 40 - 45 tỷ con giống đáp ứng nhu cầu giống tôm nuôi của tỉnh đồng thời xuất sang các tỉnh lân cận; lượng giống sản xuất đảm bảo chất lượng đạt trên 90%; cải thiện chất lượng con giống các loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao.
Quan trọng là phát triển năng lực chế biến, đưa tổng công suất thiết kế đạt 250.000 tấn/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nuôi đạt 1,3 tỷ USD. Phấn đấu đến năm 2025 Bạc Liêu đứng ở vị trí hàng đầu về công nghệ chế biến tôm cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng, để có thể thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, tỉnh chú trọng phát triển các vùng nuôi thủy sản thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nuôi tiết kiệm nước, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển nuôi trồng thủy đặc sản có giá trị theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu.
Đồng thời, phát triển mô hình nuôi thủy sản mới theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất thuỷ sản. Ưu tiên phát triển diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, xác định nuôi siêu thâm canh làm điểm nhấn, nhưng đảm bảo hệ thống xử lý nước thải; phát triển ổn định nuôi tôm sinh thái, mở rộng diện tích nuôi tôm - lúa theo hướng "lúa thơm, tôm sạch".
Năm 2023, tỉnh Bạc Liêu đề ra chỉ tiêu xuất khẩu tôm 1 tỷ USD. Để đảm bảo thực hiện mục tiêu này, tỉnh triển khai nhiều giải pháp từ nuôi đến chế biến và tiêu thụ. Đối với nuôi trồng thủy sản, tỉnh tiếp tục tổ chức lại sản xuất ở các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị phát triển bền vững, gắn với xây dựng cánh đồng lớn.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất theo hướng trang trại, phát triển bền vững.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, để xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm phát triển ngành tôm của cả nước, địa phương đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ đa dạng hóa sản phẩm chế biến, nhất là ở phân khúc chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao; cung cấp kịp thời thông tin về nhu cầu thị trường tiêu thụ cũng như các rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp biết và chủ động trong sản xuất.
Tỉnh cũng tăng cường xúc tiến thương mại; tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) để tận dụng các cơ hội tăng cường xuất khẩu vào thị trường mới...
Tỉnh Bạc Liêu đặt mục tiêu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu trong giai đoạn 2026-2030 các sản phẩm thủy sản ước đạt 1,5 tỷ USD. Sản lượng nuôi trồng thủy sản 590.000 tấn (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 4,21%/năm); trong đó, sản lượng tôm 341.000 tấn (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 3,29%/năm).
Tỉnh sẽ chú trọng việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 40% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản, 70% sản phẩm nuôi trồng thủy sản truy xuất được nguồn gốc.
Cùng đó là phát triển các vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nuôi tiết kiệm nước, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển nuôi trồng thủy đặc sản có giá trị theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu; phát triển mô hình nuôi thủy sản mới theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất thuỷ sản.
Phát triển các hình thức liên kết theo chuỗi từ sản xuất giống/thức ăn,nuôi trồng, chế biến, thương mại thủy sản đảm bảo thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.