Không hẳn vì tôi muốn vơi nỗi nhớ hương vị thân quen mà cốt yếu là để cảm nhận những thành tựu ngọt ngào của hành trình bền bỉ chinh phục các thị trường "khó tính" của hàng Việt.
Còn nhớ lần đầu tiên nhìn thấy những trái thanh long Việt Nam đỏ tươi tại quầy hàng trái cây đặc sản nhiều nước ở siêu thị Edeka của Đức, tôi đã reo lên trong hạnh phúc: "Ôi trời, ở đây có thanh long Việt Nam!".
Trái thanh long gần như nằm gọn trong lòng bàn tay, có nhãn mời gọi dễ thương "Eat me" (Hãy ăn tôi) và thông tin đính kèm: "5,99 Euro, Ursprungsland: Vietnam" (khoảng 150.000 đồng, nước xuất xứ: Việt Nam).
Vui và tự hào lắm chứ, khi thùng thanh long Việt Nam rực rỡ giữa bao "bạn bè" quốc tế: măng cụt Indonesia, đu đủ Thái Lan, lựu Peru, chanh dây Nam Phi, khế Malaysia, xoài Cộng hòa Dominica, dưa lưới Ý, lê Trung Quốc, chuối Ecuador…!
Cảm xúc ấy lại tiếp tục xôn xao trong lòng khi giữa siêu thị Đức khang trang, nơi hàng hóa khắp thế giới đổ về, tôi được cầm trên tay vỉ chanh tươi vốn "lặn lội" từ Cần Thơ hay xấp bánh tráng "bôn ba" từ quê hương Củ Chi đất thép thành đồng.
Hàng Việt đã góp mặt tại các hệ thống siêu thị lớn của Đức như Real, REWE, Edeka… Miến, bánh tráng, hủ tíu, bún, phở, bánh hỏi… và nhất là gạo Việt đã lên quầy các siêu thị lớn tại Pháp, kèm lá cờ đỏ sao vàng để chỉ lối cho khách hàng.
Khi hàng Việt càng xâm nhập mạnh mẽ thị trường châu Âu, bữa cơm của hàng trăm ngàn người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại đây càng đậm đà hương vị quê nhà. Đó cũng chính là chiếc cầu nối nguồn cội rất đặc biệt: ấm áp, hấp dẫn và thường xuyên.
Hầu như chuyến đi châu Âu nào cũng vậy, sau vài bữa thưởng thức món Tây, chúng tôi lại cồn cào nhớ thức ăn Việt.
Còn gì hạnh phúc bằng khi ngoài trời tuyết rơi, trong mái nhà ấm cúng, chúng tôi được xì xụp húp tô phở thơm lừng với bánh phở Mỹ Tho, nếm gỏi cuốn tôm thịt dùng bánh tráng Củ Chi, thưởng thức bánh xèo giòn rụm đổ bằng bột Hương Xưa…
Tất cả món ăn ấy được chuẩn bị, chế biến bằng sự dụng công và rất nhiều tâm tình của người bạn xa cách quê hương đằng đẵng. Nhờ hàng Việt nhập khẩu ngày càng nhiều nên lắm khi bạn cảm thấy như đang sống ở Việt Nam vậy.
Hàng Việt tại châu Âu, đặc biệt là lương thực thực phẩm, đang thúc đẩy người tiêu dùng châu Âu khám phá ẩm thực Việt, tập tành nấu món Việt tại căn bếp nhà mình. Vậy nên, có lẽ chẳng quá lời khi ví mỗi sản phẩm Việt nơi xứ người là một "đại sứ văn hóa thầm lặng". Để thực hiện sứ mệnh này, các "đại sứ" ấy đều phải vượt qua bao hàng rào quy định chông gai, khắc nghiệt từ thị trường nước bạn.
Mỗi lần đến rồi rời châu Âu, tôi lại tha thiết ước mong trong những tháng ngày phía trước, Việt Nam sẽ có thêm nhiều gian hàng tại các siêu thị châu Âu và khắp thế giới. Đó sẽ là nơi ta giới thiệu những sản phẩm vừa mang chất lượng đẳng cấp quốc tế vừa đậm đà hương vị và tinh thần Việt khao khát vươn xa. Đó cũng sẽ là nơi hai từ Việt Nam được tô đậm dần trên bản đồ hàng hóa thế giới.