Làm gì để nông dân và doanh nghiệp không “bẻ kèo” nhau?

Thứ sáu, 13 Tháng 10 2023 15:09 (GMT+7)
Cần phải tạo niềm tin vững chắc giữa nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã trong mối liên kết, thông qua việc cùng nhau đồng hành trong chuỗi sản xuất, chứ không chỉ là đơn thuần giữa mua và bán, để hạn chế "bẻ kèo" nhau
 
Sáng 12-10, tại Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng gần 600 đại biểu, trong đó có 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 và 63 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tiêu biểu, đã tham dự Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII với chủ đề "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp".
 
Làm gì để nông dân và doanh nghiệp không bẻ kèo nhau? - Ảnh 1.
Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại diễn đàn.
 
Nêu ý kiến tại diễn đàn, ông Nguyễn Kim Thành, Giám đốc HTX trồng và sản xuất măng tre Thành Tâm (Bình Phước), cho biết quá trình liên kết và tổ chức liên kết là một xu hướng không thể tách rời giữa nông dân với nông dân; giữa nông dân với doanh nghiệp (DN).
 
Tuy nhiên, thời gian qua liên tục xuất hiện thông tin về nông dân hoặc DN "bẻ kèo" sau khi ký kết hợp đồng hợp tác, bao tiêu sản phẩm.
 
Mới nhất là trường hợp 2.000 tấn đu đủ của bà con nông dân ở tỉnh Nghệ An bị chín rụng gốc, không được DN thu mua. Dù sau đó DN có khắc phục, hỗ trợ song vẫn ít nhiều làm mất niềm tin của người dân.
 
Làm gì để nông dân và doanh nghiệp không bẻ kèo nhau? - Ảnh 3.
Ông Nguyễn Kim Thành, Giám đốc HTX trồng và sản xuất măng tre Thành Tâm, phát biểu.
 
"Vấn đề đặt ra, làm thế nào để các hợp đồng liên kết có giá trị hơn, tạo niềm tin vững chắc giữa nông dân với DN trong mối liên kết thông qua các HTX?" - ông Thành nêu vấn đề.
 
Trả lời vấn đề này, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN-PTNT), cho biết trong Nghị định 98/NĐ-CP năm 2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, có đưa ra các giải pháp để hạn chế chống "bẻ kèo". Ví dụ, trong liên kết, nếu các bên DN và HTX cùng đồng hành đầu tư, hoặc đồng hành trong một số công đoạn sản xuất, chứ không chỉ đơn thuần có mua và bán, thì hợp tác sẽ bền chặt hơn. Đây là yếu tố quan trọng nhất.
 
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh Đảng, Nhà nước xác định rõ và coi kinh tế tập thể là một trong 4 thành phần kinh tế không thể thiếu, cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài FDI, tạo nên sự ưu việt của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
 
Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác sau khi được các Hội nông dân hỗ trợ thành lập đã làm ăn có lãi, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn, xây dựng được các thương hiệu sản phẩm OCOP.
Tuy vậy, các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay cũng còn gặp không ít khó khăn, thách thức cả về vốn, đất đai, tiêu thụ nông sản cho đến năng lực quản trị, cơ chế, chính sách để vận hành, hoạt động.
 
Phó Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp". Các nội dung Đề án phải đảm bảo tính khả thi, huy động được nguồn lực của xã hội; phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò của Hội Nông dân các cấp trong việc tham gia phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích những cách làm mới, hình thành các chuỗi liên kết bền vững.
 
Ra mắt Mạng lưới Nông dân Việt Nam xuất sắc
Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức. Trong khuôn khổ diễn đàn, Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt tổ chức ra mắt Mạng lưới Nông dân Việt Nam xuất sắc, nhằm kết nối, chia sẻ với gần 800 nông dân xuất sắc đã được bình chọn, tôn vinh trong 11 năm qua và đại diện các HTX tiêu biểu, các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
 
 

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản