Gỡ khó cho con tôm đồng bằng

Thứ hai, 23 Tháng 10 2023 13:11 (GMT+7)
Con tôm được xem là mặt hàng chủ lực của nhiều địa phương ở ĐBSCL. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế của tôm nguyên liệu đồng bằng luôn gặp khó khăn...
 
Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh là những địa phương có sản lượng tôm nuôi đứng đầu trong khu vực ĐBSCL và cả nước. Hiệu quả kinh tế từ con tôm mang lại đã được chứng minh từ thực tiễn. Các hình thức nuôi tôm chủ yếu tại các tỉnh này là quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh và siêu thâm canh.
 
Chờ tình hình thuận lợi
UBND tỉnh Cà Mau cho biết tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương thời gian quan đã có sự chuyển biến tích cực, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 7,72% so với cùng kỳ; tổng sản lượng thủy sản đạt trên 74% kế hoạch, tăng 3,7% so với cùng kỳ và kim ngạch xuất khẩu đạt 900 triệu USD. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu tôm đạt 2,52 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm.
 
Gỡ khó cho con tôm đồng bằng - Ảnh 1.
Tôm nguyên liệu ở ĐBSCL tăng giá trở lại sau thời gian giảm giá mạnh
 
Giá tôm nguyên liệu tại Cà Mau đã tăng trở lại nhưng vẫn còn ở mức thấp sau thời gian rớt giá do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine. Tôm rớt giá không chỉ tác động trực tiếp đến cuộc sống của hộ nuôi mà còn khiến nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản lâm vào thế khó.
 
Hiện, tôm thẻ loại 30 con/kg được thu mua với giá 135.000 đồng/kg; 20 con/kg giá 145.000 đồng/kg, tăng trên dưới 20.000 đồng/kg (tùy loại). Tôm sú 20 con/kg giá 170.000 đồng/kg, 30 con/kg giá 140.000 đồng/kg; 40 con/kg giá 120.000 đồng... Tuy mức giá ở thời điểm hiện tại có tăng nhưng vẫn còn khá thấp so với trước đó.
 
Theo lý giải của nhiều DN xuất khẩu thủy sản ở Cà Mau và Bạc Liêu, khủng hoảng kinh tế dẫn đến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên nhiều đối tác không ký đơn hàng mới do hàng tồn kho còn nhiều. Trước tình thế trên, không ít DN phải giảm quy mô hoặc hoạt động cầm chừng để chờ tình hình thuận lợi.
 
"Tình hình xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm có thể sẽ tăng mạnh trở lại do lạm phát hạ nhiệt, nhu cầu của đối tác tăng để phục vụ các dịp lễ, Tết cuối năm, một số nước cạnh tranh như Ecuador, Malaysia... kết thúc vụ tôm chính vụ" - đại diện một DN xuất khẩu thủy sản ở Bạc Liêu nhận định.
 
Ông Nguyễn Văn Nam (67 tuổi; ngụ huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cho biết nghề nuôi tôm công nghiệp giống như một "canh bạc" bởi thắng thì đổi đời, còn không thì lâm vào cảnh trắng tay và nợ nần chồng chất. Trong thời gian nuôi, nông dân hầu như thức trắng đêm để theo dõi bởi chỉ cần sơ suất không phát hiện tôm bị bệnh kịp thời là coi như mất chục triệu đồng do bệnh trên tôm diễn biến rất nhanh. "Tôi vừa thu hoạch 2 ao nuôi tôm thẻ vào thời điểm giá tăng trở lại nên lợi nhuận cũng được trên 300 triệu đồng. Nếu với mức giá như trước đây thì lợi nhuận sẽ còn nhiều hơn" - ông Nam bộc bạch.
 
Giảm giá thành nguyên liệu
Ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói chung và các tỉnh ĐBSCL nói riêng trong những năm gần đây đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Tuy nhiên, để phát triển bền vững ngành tôm Việt thì rất cần những quyết sách mang tầm nhìn chiến lược để tháo gỡ khó khăn, thách thức góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của mặt hàng này trên thị trường quốc tế.
 
Ông Trần Văn Việt, Giám đốc HTX Thành Công (xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Ma), cho biết HTX có hơn 80 ao nuôi tôm thẻ. Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi tôm, ông Việt chưa bao giờ thấy giá mặt hàng này lại giảm thê thảm như những tháng đã qua. Nhiều hộ nuôi đáng lẽ ra phải lãi đậm do tôm đạt sản lượng cao nhưng gặp phải cảnh rớt giá nên dẫn đến thua lỗ hoặc may mắn thì huề vốn.
 
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tâm (40 tuổi; ngụ tỉnh Sóc Trăng) cho hay nếu tôm phát triển tốt, nhanh lớn thì tiền thức ăn chiếm khoảng 40% chi phí vụ nuôi. Trường hợp tôm nuôi chậm lớn thì chi phí thức ăn có thể lên đến 60%.
 
"Giá tôm giảm mạnh đã khiến không ít hộ nuôi lâm vào khó khăn và thậm chí là trắng tay. Tôi hy vọng các ngành chức năng sẽ tạo điều kiện cho người dân, DN tiếp cận các nguồn vốn vay cũng như có giải pháp đưa giá tôm trở lại như trước đây để nông dân yên tâm sản xuất" - ông Tâm bày tỏ.
 
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, hiện ngành xuất khẩu tôm Việt Nam đang đánh mất vị thế trên thị trường quốc tế do giá thành sản phẩm cao, tỉ lệ nuôi thành công thấp, sản phẩm còn nhiễm kháng sinh... Ngoài ra, giá vật tư nông nghiệp, thức ăn thủy sản tăng dẫn đến giá tôm nguyên liệu của nước ta cao nên DN khó cạnh tranh trong xuất khẩu so với Ecuador, Ấn Độ...
 
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho rằng thời gian qua giá tôm nguyên liệu giảm mạnh và giờ đã tăng trở lại nhưng vẫn còn mức thấp. "Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cần có biện pháp quản lý, bình ổn giá vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm; quản lý tốt giá tôm nguyên liệu, tránh tình trạng tôm rớt giá ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu trong nước phục vụ cho sản xuất thức ăn nuôi tôm, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu" - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị. 

 

Hướng đến sản xuất bền vững

UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung xây dựng mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Qua đó, hướng đến sản xuất bền vững, tạo điều kiện để người dân tiếp cận tín dụng thông qua hình thức liên kết.

Đồng thời, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với Sở Công Thương, Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản và các đơn vị liên quan mời gọi DN cung ứng vật tư đầu vào (con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học) có thị phần lớn ở tỉnh... tham gia liên kết chuỗi.

 
 

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản