Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, năm 2023 ghi nhận toàn tỉnh có gần 62.000 ha khoai mì, tăng khoảng 1.000 ha so với năm 2017.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, cho biết từ những giống có được, địa phương đang tập trung đẩy mạnh nhân giống. Hiện tổng diện tích các giống mới khoảng 2.000 ha, diện tích giống khoai mì kháng bệnh khảm lá ở Tây Ninh có thể tăng lên 10.000 ha vào niên vụ 2023 - 2024.
Diện tích trồng cây khoai mì tại Tây Ninh hiện lớn nhất cả nước
Năm 2021 địa phương tuyển chọn được 175 dòng khoai mì vô tính, có tính kháng khảm. Trong đó, 23 dòng vô tính có năng suất tinh bột cao đã được chọn cho các thử nghiệm năng suất sơ bộ vào năm 2022.
Đến nay, 6 giống gồm HN1, HN3, HN5, HN36, HN80, HN97 đã được Bộ NN-PTNT cấp phép lưu hành tại khu vực Đông Nam Bộ.
Tỉnh Tây Ninh đang tiếp tục thử nghiệm tìm ra các giống khoai mì mới khả thi đáp ứng ngăn ngừa dịch bệnh điển hình trên loại cây này như khảm, thối thân, xì mủ... để đề xuất Bộ NN-PTNT cấp phép lưu hành.
Với điều kiện thời tiết ở Tây Ninh có mùa nắng kéo dài 6 tháng, giải pháp tưới là điều kiện tiên quyết giúp cho cây khoai mì phát triển và đạt năng suất cao.
Hiện nay kỹ thuật tưới cho cây khoai mì gồm tưới phun (sử dụng béc, sung tưới tự động…) và tưới xả tràn.
Là một trong ba loại cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh, nếu hộ dân thâm canh khoai mì có bài bản, đầu tư đúng mức, áp dụng các biên pháp tưới thì lợi nhuận thu về có thể lên đến 40 – 50 triệu đồng/ha.