Ngành giày da, gốm sứ: Thặng dư thương mại hàng hóa cả nước đạt 2,93 tỷ USD

Thứ sáu, 30 Tháng 8 2019 07:42 (GMT+7)
Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp (DN) giày da, gốm sứ trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định. Để nắm bắt cơ hội mới, các chuyên gia khuyến cáo DN cần chuẩn bị kỹ lưỡng trong đầu tư, từ khâu quản trị đến sản xuất nhằm đáp ứng tình hình mới.

 Dồi dào đơn hàng

Theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Bình Dương, DN giày da đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước khu vực Đông Nam Á. Tuy vậy, dự báo năm 2019, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường chính của ngành da giày trong nước vẫn ổn định nên ngành sẽ tiếp tục phát triển. Trong 6 tháng đầu năm 2019, ngành giày dép của tỉnh xuất khẩu đạt 1 tỷ 484 triệu USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ngành này tại Bình Dương tăng trưởng khá tốt ở hầu hết các thị trường xuất khẩu chính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Đến nay, hầu hết các DN giày da trong tỉnh đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết quý III-2019, với lượng đơn hàng xuất khẩu tăng trung bình 10 - 12% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng mừng, từ đầu năm đến nay giá nguyên vật liệu cho mặt hàng này trong nước và nhập khẩu ổn định. Ông Vũ khẳng định, tỷ lệ nội địa hóa ngành giày da tăng nhanh, hiện đạt ngưỡng 60%. Với tỷ lệ này, quy tắc xuất xứ không phải là trở ngại lớn với DN giày da trong nước.

Khách hàng chọn mua gốm sứ tại Hội chợ thủ công mỹ nghệ Bình Dương 2019. Ảnh: TIỂU MY

Hiện nay, Bình Dương là một trong những tỉnh có ngành gốm sứ phát triển, với giá trị xuất khẩu khoảng 150 triệu USD/năm và tiêu thụ nội địa 70 triệu USD/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 94,9 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Các DN gốm sứ trong tỉnh đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết năm 2019, lượng đơn hàng cũng tăng 10 - 15%; giá nguyên vật liệu trong nước và nhập khẩu tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Lý Ngọc Bạch, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, cho biết những năm gần đây gốm sứ Bình Dương luôn có mức tăng trưởng ổn định từ 10%/năm trở lên. Trong bối cảnh ngành gốm sứ cả nước chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt từ các nước như Thái Lan, Trung Quốc… mức tăng trưởng này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của ngành.

Theo ông Bạch, gốm sứ của Bình Dương đa dạng về mẫu mã, chủng loại, màu sắc, giàu tính nghệ thuật; từ các sản phẩm gia dụng như lu, khạp, chén, dĩa, bình hoa, bình trà… đến các loại gốm sứ mỹ nghệ đều được khách hàng đánh giá cao.

Hiện nay, việc cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm đang được các DN gốm sứ trong tỉnh chú trọng thực hiện. Như Công ty Cường Phát, đã áp dụng các công cụ năng suất, chất lượng 5S (sàng lọc - sắp xếp - sạch sẽ - săn sóc - sẵn sàng), kaizen (cải tiến liên tục)… giúp công ty tiết kiệm chi phí hơn 2,5 tỷ đồng. Lãnh đạo công ty cho biết, hiện công ty tập trung nâng cao năng lực quản trị hệ thống, quản trị sản xuất để tạo được giá thành phù hợp với thị trường.

Chủ động đổi mới để phát triển

Theo đánh giá của ngành công thương, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA) đem lại những cơ hội lớn cho ngành da giày trong nước, cụ thể là giúp các DN giảm chi phí đầu vào, tiếp cận công nghệ mới dễ dàng hơn, tăng năng suất và duy trì thị phần ở Mỹ, EU và Nhật Bản.

Mặt khác, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tác động đến xuất nhập khẩu của nước ta và thúc đẩy nhiều DN hoạt động trên lĩnh vực giày da nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, việc xây dựng vùng sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam giúp DN trong nước từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu...

Tuy vậy, các FTA thế hệ mới nói trên cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho DN trong nước. Cụ thể, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP có một số điểm mới như: Quy tắc xuất xứ bộ hàng hóa; quy tắc xuất xứ hàng tân trang, hàng tái chế tạo; công thức tính hàm lượng giá trị khu vực (RVC); danh mục tiêu chí xuất xứ cho sản phẩm cụ thể (PSR) được quy định chi tiết theo công đoạn sản xuất cụ thể… trong khi đó, hiện mức độ ứng dụng công nghệ trong quản lý và sản xuất của ngành da giày trong nước còn thấp. Nhiều DN trong nước chưa được tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu (do phần lớn chỉ làm gia công).

Bên cạnh đó, các DN ngành giày da trong nước còn phải đối mặt với nhiều thách thức bên ngoài, điển hình như việc bảo hộ thương mại từ các quốc gia ngày càng tăng cao. Cùng với đó, DN trong nước gặp khó khăn trong quản lý sản xuất và thực hành những tiêu chuẩn về chất lượng, đáp ứng các rào cản kỹ thuật, thương mại và tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội…

Đánh giá về ngành gốm sứ trong tỉnh, ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, cho biết thời gian qua, nhiều DN gốm sứ trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất lạc hậu sang mô hình sản xuất hiện đại. Trên địa bàn tỉnh có các công ty gốm sứ lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, có thể kể đến như Minh Long, Cường Phát, Phước Dũ Long… Tuy đã qua thời hoàng kim nhưng hiện ngành gốm sứ vẫn nằm trong tốp 20 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, cho biết điều các DN gốm sứ cần làm hiện nay là nắm bắt kịp thời thị hiếu tiêu dùng, đa dạng mẫu mã, chuyển đổi công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để phát triển ổn định, lâu dài trong thời gian tới. Các DN cũng cần sớm đầu tư nâng cấp thiết bị, công nghệ, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng của từng nước thành viên...

 
 TIỂU MY - (baobinhduong.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Gốm sứ - Thủy tinh

  • Hàng mỹ nghệ chào thị trường Tết
    Để chuẩn bị phục vụ cho đợt cao điểm mua sắm Tết Nguyên đán, nhiều cơ sở sản xuất hàng trang trí, mỹ nghệ đã sớm thực hiện các ý tưởng mới cho năm nay và giới thiệu trước đến khách hàng. Tiêu chí rẻ, đẹp phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay đi kèm với những yêu cầu tinh tế, “ít đụng hàng” hoặc thân thiện với môi trường được người sản xuất chú trọng, ưu tiên hàng đầu để người dân có nhiều lựa chọn khi mua sắm.
    Chủ nhật, 03 Tháng 1 2021 15:44
  • Hàng chục doanh nghiệp gốm sứ ở Đồng Nai “cầu cứu” vì bị bãi bỏ ưu đãi
    Bất ngờ nhận thông báo phải nộp hàng tỷ đồng tiền đầu tư hạ tầng, 23 doanh nghiệp đang sản xuất trong Cụm công nghiệp (CCN) gốm sứ Tân Hạnh, TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã ký đơn “cầu cứu” cơ quan chức năng. Các doanh nghiệp cho rằng, trước đây để hỗ trợ di dời vào CCN gốm sứ Tân Hạnh, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quy định ngân sách hỗ trợ 60% tiền đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp đóng 40%, nhưng nay lại thay đổi, buộc doanh nghiệp đóng 100%.
    Thứ tư, 07 Tháng 10 2020 10:26
  • Duyên thầm gốm sành Hương Canh
    Một mẻ gốm Hương Canh nung đốt trong lò thủ công mất khoảng 42 tiếng, với nhiệt độ từng thời điểm khác nhau. Vì lẽ đó, người làm gốm phải thức canh lò, thậm chí trắng đêm suốt sáng. Thao thức theo đúng nghĩa, mộc và chất như người đồng đất Hương Canh.
    Thứ ba, 28 Tháng 1 2020 08:14
  • Trăm năm gạch gốm Vĩnh Long
    Là một trong số ít địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long có nghề nung gạch gốm, Vĩnh Long có những lò nung tồn tại đã hàng trăm năm. Từng có thời điểm, khu vực ven sông Cổ Chiên, Mang Thít, kênh Thầy Cai đoạn qua Vĩnh Long xuất hiện hàng nghìn lò nung gạch gốm các loại. Tuy nhiên, nghề nung gạch gốm nơi đây cũng đang thoái trào do xu hướng sử dụng các loại vật liệu mới. Tuy nhiên, nếu biết khai thác, những lò còn lại có thể kết hợp để phát triển du lịch.
    Thứ năm, 29 Tháng 11 2018 10:33
  • Gốm Chi: sự pha trộn giữa chất phiêu của Jazz và chút dữ dội của Rock
    Cảm nhận vẻ đẹp hiện đại của gốm Chi quả không dễ dàng bởi nó là sự bộc lộ thăng hoa của cảm xúc cá nhân. Như anh bạn trẻ ngồi vẽ ở góc vườn nói: “Phải có ở trong lòng một chút nồng nàn của đất, cảm giác phiêu của một bản Jazz, một chút dữ dội của Rock mới cảm nhận được nhịp đập của gốm, của tâm hồn người làm ra nó.
    Thứ hai, 26 Tháng 11 2018 10:19