Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các nhà bán lẻ điện máy, công nghệ kỳ vọng sau một năm chống chọi với khó khăn, sức mua xuống thấp kỷ lục, thị trường sẽ khởi sắc hơn vì người tiêu dùng thường có tâm lý sắm các mặt hàng điện máy mới cho gia đình hoặc thưởng cho mình chiếc điện thoại mới sau khi lãnh lương, thưởng. Tuy nhiên, thực tế lại không như mong muốn.
Sức mua dịp Tết có cải thiện nhưng không đáng kể khiến nguồn hàng mà các đơn vị chuẩn bị tồn kho khá nhiều. Cộng với lượng hàng năm trước chưa bán hết nên lượng sản phẩm tăng lên gấp hai - ba lần bình thường.
Các trung tâm, siêu thị điện máy vắng khách mua sắm
Theo thống kê sơ bộ từ các hệ thống bán lẻ điện máy, mặt hàng tivi có số lượng tồn kho lên hơn 1 triệu chiếc, máy giặt hơn 700.000 chiếc, tủ lạnh khoảng 800.000 chiếc. Ngay cả mặt hàng mùa vụ là máy lạnh cũng có đến 1 triệu bộ tồn kho.
Tương tự, các hãng máy tính và nhà bán lẻ công nghệ cũng đang tồn tới cả triệu chiếc laptop, bán cả năm cũng không hết. Trong khi đó, tháng 3 này, các hãng sẽ đồng loạt tung ra nhiều model laptop sử dụng chip mới nên áp lực cho nguồn hàng model cũ phải giảm giá mạnh.
Áp lực tồn kho lớn buộc các hãng sản xuất cũng như hệ thống bán lẻ đang phải tìm mọi cách để đẩy hàng đi càng nhanh càng tốt. "Nếu không bán được, hàng sẽ trở thành lỗi "mốt", bị xuống đời, phải giảm giá sâu, xả lỗ mới mong có người mua. Điều này đồng nghĩa với buôn bán lỗ vốn" - chị Mai Ngọc, phụ trách kinh doanh và marketing một siêu thị điện máy tại TP HCM, cho biết.
Theo đại diện FPT Shop, ngoài việc giảm giá mạnh, công ty còn đa dạng kênh, hình thức bán hàng, tăng các tiện ích để tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. "Khách muốn mua hàng bằng hình thức nào, chúng tôi cũng đáp ứng, từ mua qua điện thoại, đặt hàng online, mua trên các nền tảng mạng xã hội hay livestream bán hàng…" - đại diện hệ thống này cho hay.
Hệ thống Di Động Việt cũng tích hợp nhiều phương thức bán hàng, tiết kiệm, như thu cũ đổi mới không bù tiền, trả góp không cần trả trước, không lãi suất, không phí chuyển đổi, không phải chờ đợi… nhằm kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Ngoài những giải pháp nêu trên, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS, cho biết công ty ông triển khai thêm nhiều chương trình bán hàng khác biệt so với thị trường. Theo đó, ưu đãi khách hàng thành viên, ưu đãi về thanh toán và đa dạng hình thức thanh toán như chương trình trả góp 3 không (không lãi suất, không trả trước, không phụ phí); ưu đãi thanh toán qua ví điện tử, thẻ tín dụng, trả góp qua Momo, Shinhan finance +, ưu đãi cho học sinh, sinh viên, giáo viên…
Dù các nhà bán lẻ điện máy, công nghệ đang tích cực đẩy mạnh bán hàng để giải quyết sản phẩm tồn và đón nhận các đợt hàng mới ra mắt nhưng theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động ở các cửa hàng, trung tâm, siêu thị điện máy, công nghệ tại TP HCM từ sau Tết đến nay, tình hình vẫn không mấy cải thiện. Thậm chí, nhiều điểm bán cả ngày không thấy bóng dáng khách hàng mà chỉ có nhân viên trực quầy.
Ngay cả mặt hàng thường bán rất chạy trong mùa nắng nóng là máy lạnh và các loại thiết bị điều hòa cũng ít có khách hàng quan tâm.
Anh Ngô Thanh Phước, phụ trách kinh doanh siêu thị điện máy tại quận 10, nhận xét thị trường điện máy năm nay rất khác. Thông thường, mọi năm hết Tết, người tiêu dùng vẫn tìm mua hàng khá nhiều, có thể do trước đó họ bận rộn chưa kịp mua sắm. "Còn hiện nay ngược lại, gần như không có ai đến mua sắm gì cả dù có rất nhiều mặt hàng giảm giá sâu" - anh Phước nêu thực trạng.
Máy lạnh giảm giá giữa mùa nắng nóng
Trong bối cảnh sức mua còn thấp, các nhà sản xuất và bán lẻ đang kích cầu sản phẩm điều hòa nhiệt độ bằng nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá mạnh ngay trong mùa nắng nóng hiện nay.
Theo đó, máy lạnh Reetech loại 1,5HP đang được các nhà bán lẻ giảm giá 2 triệu đồng, còn 8,7 triệu đồng; máy lạnh Aqua 2HP giảm 3 triệu đồng, còn 13,7 triệu đồng; máy lạnh Sharp 1HP giảm hơn 2 triệu đồng, còn 8,4 triệu đồng... Khách mua máy lạnh còn được bao công lắp đặt và tiền vật tư trị giá gần 2 triệu đồng.