Giữa tháng 7 vừa qua, Cơ quan quản lý thực phẩm Singapore (SFA) đã có chuyến khảo sát các doanh nghiệp (DN) sản xuất nông sản của Việt Nam, trong đó có DN sản xuất trứng gà tươi để chuẩn bị cho tiến trình đàm phán, đưa Việt Nam trở thành nguồn cung trứng tươi cho quốc đảo này.
Mở cửa thị trường
Sau chuyến công tác, TS Abdul Kader, Phó Tổng Giám đốc điều hành SFA, thông tin nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm tươi sống, trong đó có trứng gà tươi của Singapore rất lớn. TS Abdul Kader đánh giá cao về năng lực của các DN Việt Nam trong mảng sản xuất trứng tươi. Ông tin tưởng trong thời gian tới các bên sẽ có giao thương chính thức sau khi cơ quan chức năng 2 nước thống nhất các vấn đề trong kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm…
Đại diện Cơ quan quản lý thực phẩm Singapore khảo sát tại trang trại và nhà máy xử lý trứng của Ba Huân tại Long An
Ông Cao Xuân Thắng, Tham tán Thương mại - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore, nói rằng tuy Singapore chỉ có 6 triệu dân nhưng là trung tâm thương mại của thế giới. Nhiều DN Việt Nam đã tiếp cận được các thị trường khác thông qua Singapore nên việc mở cửa được thị trường này có ý nghĩa rất lớn.
Thực tế, hơn 3 năm qua, trứng vịt muối của DN đã xuất khẩu được sang Singapore, Malaysia và đơn hàng ngày càng tăng. Với trứng gà tươi, DN đã xuất khẩu sang Hồng Kông (Trung Quốc) và Campuchia. Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ba Huân, cho biết Singapore là thị trường yêu cầu cao về tiêu chuẩn, chất lượng dù sản lượng không lớn. Hiện tại, DN đang đầu tư dây chuyền sản xuất trứng gà lỏng - kỳ vọng sẽ góp phần tăng tốc xuất khẩu do mặt hàng này có thời gian bảo quản lâu.
"Mục tiêu của DN trong xuất khẩu trứng gà tươi sang Singapore không phải về doanh số mà chủ yếu là để làm quen với những thị trường xuất khẩu khác. Đặc biệt, đây là cơ hội để cải thiện quy trình chăn nuôi, chất lượng sản phẩm, gia tăng năng lực phục vụ thị trường nội địa" - đại diện Công ty CP Ba Huân nhấn mạnh.
Tìm lợi thế cạnh tranh
Các DN sản xuất trứng gia cầm nhận xét thị trường trứng gia cầm tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn bão hòa khi nguồn cung liên tục tăng. Do đó, việc tìm đường xuất khẩu là hướng đi mới giúp các DN giữ tăng trưởng, tạo đầu ra ổn định cho các trang trại.
Theo ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food), qua khảo sát thị trường, Việt Nam có lợi thế đối với các mặt hàng trứng chế biến từ nguyên liệu trứng cút, trứng gà và trứng vịt. Trứng cút Việt Nam rẻ bằng 1/7 - 1/8 ở nước ngoài, trứng vịt thì có giá tương đương nhưng chất lượng hơn hẳn nhờ duy trì nuôi với hình thức bán công nghiệp.
Với mặt hàng trứng gà tươi, ông Thiện cho rằng tương đối khó do giá cả không chênh lệch nhiều và khó khăn trong khâu bảo quản, vận chuyển cũng như thời hạn sử dụng. Do đó, DN đã chuyển hướng sang mặt hàng trứng lỏng (đã tách vỏ và thanh trùng có thể đông lạnh, bảo quản lâu) để cung cấp cho các nhà máy chế biến. Vừa qua, V.Food đã xuất khẩu trứng lỏng thanh trùng sang Hàn Quốc, sắp tới sẽ đẩy mạnh xuất khẩu thêm mặt hàng này.
Tuy nhiên, ông Thiện cũng thừa nhận do chưa có thương hiệu nên thị trường xuất khẩu chủ yếu các nước châu Á, một vài trường hợp đối tác mua để xuất khẩu tiếp sang nước thứ 3. "Tiềm năng thị trường rất lớn nếu các DN nâng cao được năng lực cạnh tranh" - ông Thiện nhìn nhận.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Việt Nam chủ yếu xuất khẩu trứng tươi, trứng chế biến sang các nước châu Á và trứng muối trong bánh sang Mỹ. Bà Trần Thị Thu Phương, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế - Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cho hay nhu cầu xuất khẩu trứng của DN Việt Nam và nhu cầu nhập khẩu của DN nước ngoài khá lớn. Hiện nay, Việt Nam đã có một số DN chăn nuôi quy mô lớn và tổ chức theo chuỗi giúp kiểm soát được dịch bệnh, an toàn thực phẩm và hạ giá thành. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn còn dịch bệnh, với ngành gia cầm là cúm gia cầm - là rào cản trong việc xuất nhập khẩu. "Tổ chức Thú y thế giới thừa nhận việc kiểm soát để sạch dịch bệnh trong ngành chăn nuôi toàn quốc là rất khó. Do đó, giải pháp là sau khi đàm phán với nước nhập khẩu thì xây dựng từng cơ sở an toàn dịch bệnh, vùng an toàn dịch bệnh để có thể xuất khẩu" - bà Phương thông tin.
Theo TS Hà Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và DN nông nghiệp Việt Nam, rất nhiều DN nước ngoài quan tâm đến mặt hàng trứng gia cầm, đặc biệt từ các DN có quy trình chăn nuôi, sản xuất khép kín. "Bên cạnh các quy định bắt buộc của nước nhập khẩu, các đối tác nước ngoài còn quan tâm đến các tiêu chí mềm như: bảo đảm về phúc lợi động vật, sản xuất xanh…" - bà Hạnh lưu ý với các DN.
Tỉ lệ trứng xuất khẩu chỉ mới 1%
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, sản lượng trứng gia cầm năm 2023 cả nước ước đạt 19,2 tỉ quả, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trứng gia cầm (trứng tươi và trứng qua chế biến) của nước ta đã xuất khẩu sang hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng lượng trứng của cả nước, số còn lại để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Cập nhật 6 tháng đầu năm, sản lượng trứng ước đạt gần 10,1 tỉ quả, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023, riêng quý II ước đạt 5 tỉ quả, tăng 5%.
Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi (thịt, trứng, sữa) 6 tháng đầu năm ước đạt 240 triệu USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2023.