Ngân hàng tăng lợi nhuận nhờ bán nợ xấu

Thứ năm, 29 Tháng 11 2018 10:08 (GMT+7)
Ngoài hoạt động cho vay, đầu tư tài chính, phí dịch vụ..., nguồn thu từ xử lý nợ xấu đã đóng góp không nhỏ cho nhiều ngân hàng

Thống kê sơ bộ cho thấy 9 tháng đầu năm 2018, 26 ngân hàng (NH) có tổng lợi nhuận hơn 67.000 tỉ đồng, trong đó 15 NH lãi hàng ngàn tỉ đồng, hoàn thành 70% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Một số NH lãi chỉ 200-300 tỉ đồng nhưng lại đạt 90% chỉ tiêu lợi nhuận, trong đó từ việc xử lý nợ xấu chiếm 15%-30%.

Tranh thủ bất động sản tăng giá

Ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng Giám đốc NH TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), nhìn nhận trong 302 tỉ đồng lợi nhuận 9 tháng năm 2018 có 50 tỉ đồng (15% lợi nhuận) là thu nhập từ bán nợ xấu. Tuy nhiên, số tiền này chính là khoản trích lập dự phòng rủi ro cho một số khoản nợ xấu. Nay NH đã bán được các khoản nợ đó, thu lại số tiền này.

Ngân hàng tăng lợi nhuận nhờ bán nợ xấu - Ảnh 1.

Eximbank đã giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro trong năm 2018 nhờ bán nợ xấu Ảnh: TẤN THẠNH

"Khi bán được nợ xấu, thu nhập của NH sẽ tăng đột biến. chẳng hạn, cách đây 4 năm, NH tồn đọng nợ xấu 1.000 tỉ đồng, tài sản thế chấp chủ yếu là bất động sản (BĐS). Trong khoảng thời gian tồn nợ xấu, NH phải lấy lợi nhuận hằng năm để trích lập dự phòng đủ 1.000 tỉ đồng. Như thế, về mặt lý thuyết, khoản nợ xấu mới được xem xử lý xong. Đến đầu năm 2018, thị trường BĐS tốt lên, NH và con nợ phối hợp bán tài sản thế chấp khoản nợ xấu đó, thu về 1.000 tỉ đồng. Số tiền này được hoàn nhập dự phòng, trở thành thu nhập bất thường, bổ sung vào lợi nhuận của NH" - ông Nhung phân tích.

Một lãnh đạo Phòng Xử lý nợ NH TMCP Sài Gòn (SCB) cho hay từ đầu năm 2018 đến nay bán được khoảng 20 tài sản thế chấp nợ xấu, thu về số tiền rất lớn. Trong khi đó, đại diện Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản AMC - Eximbank (đơn vị trực thuộc NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank) tiết lộ trong 6 tháng đầu năm 2018, công ty đã bán được 6 BĐS là tài sản thế chấp nợ xấu, thu về khoảng 100 tỉ đồng, đóng góp gần 10% trong hơn 1.130 tỉ đồng lợi nhuận 9 tháng năm 2018 của Eximbank.

Giảm chi phí dự phòng rủi ro

Theo báo cáo của Eximbank, 9 tháng năm 2018, NH đã giảm mạnh 34% chi phí dự phòng rủi ro so với cùng kỳ, còn 322 tỉ đồng. Lãnh đạo Eximbank giải thích có nhiều lý do làm cho chi phí dự phòng rủi ro giảm, trong đó có phần nhờ bán được một số BĐS là tài sản thế chấp nợ xấu. Mặt khác, do nhiều khoản nợ xấu đã trích lập đủ dự phòng rủi do, chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt hơn nên nợ xấu không tăng giúp cho NH giảm được chi phí, tăng thêm lợi nhuận.

Vị lãnh đạo Eximbank này đánh giá nhờ bán được nhiều tài sản thế chấp, lợi nhuận từ xử lý nợ xấu của không ít NH chiếm đến 20%-30% tổng lợi nhuận.

Tương tự, Chủ tịch HĐQT NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - ông Nghiêm Xuân Thành - cho biết trong năm 2017 và 2018, thu nhập từ việc bán nợ xấu của Vietcombank khoảng 2.000 tỉ đồng/năm. Theo ông Thành, tuy Vietcombank dự kiến lợi nhuận năm 2018 tăng thêm 2.000 tỉ đồng so với kế hoạch 13.000 tỉ đồng nhưng mức tăng này không từ thu nhập xử lý nợ xấu mà chủ yếu là do NH "chắc tay" về chất lượng cho vay, từ đó giảm được chi phí dự phòng, đồng thời thu nhập từ mảng dịch vụ tài chính lại tăng mạnh.

Theo TS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Tài chính - Marketing), với việc dùng lợi nhuận của nhiều năm trước để trích lập dự phòng 100% nợ xấu, NH phải hạn chế hoặc không chia cổ tức vì lợi nhuận bị bào mòn, làm buồn lòng các cổ đông; nguồn thu ngân sách cũng kém đi, lương - thưởng của nhân viên thì bèo bọt.

"Như thế, trước đây NH đã "nhịn ăn" vì nợ xấu, nay NH bán được một phần nợ xấu sẽ góp phần tăng thêm lợi nhuận, nâng cao năng lực tài chính, cải thiện việc chia cổ tức, tăng nguồn thu cho nhà nước…" - ông Thuận đánh giá. 

Một năm, xử lý 140.000 tỉ đồng

Theo Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng, trong hơn 1 năm qua, tính từ thời điểm Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu có hiệu lực (15-8-2017), các tổ chức tín dụng đã xử lý nợ xấu được khoảng 140.000 tỉ đồng. Riêng Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã xử lý khoảng 95.000 tỉ đồng.

"Số liệu nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu vào cuối năm 2016 là 10,08%. Đến cuối năm 2017, số liệu tổng thể các khoản nợ xấu là khoảng 7,7% và đến tháng 6-2018 đã lùi về khoảng 6,7%" - ông Lê Minh Hưng nhìn nhận.

Nguồn: Thy Thơ - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm