Hiệu quả tín dụng chính sách trong giảm nghèo bền vững

Thứ năm, 03 Tháng 10 2019 11:03 (GMT+7)
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, thu hẹp chênh lệch về mức sống giữa các vùng, miền, giữa thành thị với nông thôn. Trong đó, tín dụng chính sách xã hội là công cụ kinh tế hữu hiệu trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

Hiệu quả tín dụng chính sách trong giảm nghèo bền vững

Người dân cần các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Ảnh: THANH HÙNG

Ngày 4-10-2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao (chương trình hộ nghèo, học sinh - sinh viên và giải quyết việc làm), đến nay tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình và một số chương trình, dự án do các địa phương, tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong cả nước, trong đó, tập trung ưu tiên cho vay khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Việc thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đồng thời ổn định chính trị, trật tự xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Tại An Giang, đến quý II-2019, nguồn vốn hoạt động của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 3.075 tỷ đồng, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt hơn 3.069 tỷ đồng (tăng gần 158 tỷ đồng so năm 2018), với hơn 159.000 hộ còn dư nợ. Chất lượng tín dụng được cải thiện với nợ quá hạn, khoanh nợ khoảng 146 tỷ đồng, chiếm 4,76%... Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho rằng, thời gian tới, các cấp, sở, ngành cần chung tay với Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết những vấn đề như: cho vay xuất khẩu lao động phải có định hướng chiến lược; nâng chất tổ tín dụng từ đội ngũ con người đến hoạt động triển khai sử dụng đồng vốn hỗ trợ đúng mục đích và sử dụng có hiệu quả. Lồng ghép việc sử dụng vốn vay với hỗ trợ ứng dụng khoa học - công nghệ vào quy trình sản xuất, canh tác của người dân. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về các chính sách tín dụng ưu đãi của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội để thu hút dòng vốn và nghĩa vụ trả nợ, trả lãi của người vay, xóa bỏ tư tưởng “trông chờ, ỷ lại” và khuyến khích người dân tích cực lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới, tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về “Vai trò và hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về các chương trình mục tiêu quốc gia, yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 22-11-2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Định hướng giải pháp thực hiện tín dụng chính sách trong thời gian tới để đạt mục tiêu: tạo điều kiện hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt hơn nữa hoạt động cho vay ủy thác bảo đảm đúng chính sách, đúng đối tượng, giúp người nghèo sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, nhằm cải thiện đời sống và có nguồn vốn để trả nợ. Đặc biệt, cần làm tốt công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhân dân (xóa bỏ tư tưởng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội có nghĩa là “nhà nước cho”), tạo động lực và khuyến khích người dân tích cực lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững.

HỮU HUYNH - (baoangiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm