Chi trả lương hưu qua bưu điện (Ảnh minh họa: VNPost).
Khoảng 3,1 triệu người đang hưởng lương hưu
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong năm qua, cơ quan này giải quyết hơn 117 nghìn hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng, đưa tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng lên khoảng 3,1 triệu người.
Những năm gần đây, tỷ lệ người nghỉ hưu đúng tuổi đã được cải thiện. Đến năm 2018, tỷ lệ người hưu trí hưởng lương hưu đúng tuổi là khoảng 70%. Người đang hưởng lương hưu chủ yếu từ ngân sách nhà nước và từ bảo hiểm xã hội.
Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được thông qua quy định, bắt đầu từ thời điểm 1-1-2021 sẽ tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường tăng dần theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028, và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Cụ thể, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi ba tháng đối với lao động nam, và đủ 55 tuổi bốn tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm ba tháng đối với lao động nam và bốn tháng đối với lao động nữ.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá năm tuổi so với quy định trên tại thời điểm nghỉ hưu. Còn người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá năm tuổi so với quy định.
Cùng với đó, người lao động phải bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn có hơn 840 nghìn người lựa chọn nhận trợ cấp BHXH một lần. Điều này đồng nghĩa với, việc họ không còn được bảo đảm các chính sách an sinh xã hội như hưu trí, thẻ bảo hiểm y tế… khi hết tuổi lao động, có thể trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội khi về già.
Hướng tới 50% người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ở đô thị không dùng tiền mặt
Theo Nghị quyết số 02/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các hướng dẫn, tiêu chuẩn, lộ trình chuẩn hóa thông tin dữ liệu về người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, các chế độ an sinh xã hội. Từ đó, kết nối chia sẻ thông tin với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán nhằm phục vụ chi trả các chế độ an sinh xã hội, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua ngân hàng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh vận động, khuyến khích người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Qua đó, mục tiêu đạt 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, mai táng phí, tử tuất,… sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người hưởng nhận các khoản trợ cấp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. bảo đảm trên địa bàn đô thị đạt ít nhất 30% đến hết năm 2020.
XUÂN ANH - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong - (dongbang.vn)