Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienViet PostBank).
Ðồng loạt giảm lãi suất
Dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng khiến kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Trên thế giới, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã giảm mạnh và bất thường lãi suất điều hành về mức 0% đến 0,25%/năm chỉ trong vòng hai tuần. Sau động thái của Fed, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng có các động thái tương tự. Với Việt Nam, NHNN cũng ngay lập tức quyết định giảm các mức lãi suất để góp phần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vay vốn.
"Quyết định của NHNN là phù hợp diễn biến thị trường quốc tế, áp lực lạm phát đã giảm bớt do giá dầu giảm mạnh và nhất là được hỗ trợ bởi nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước đã vững chắc trong những năm qua. Việc giảm các lãi suất điều hành phát tín hiệu về sự sẵn sàng của NHNN hỗ trợ các tổ chức tín dụng khi cần tiếp cận vốn", Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Phạm Thanh Hà khẳng định.
Cũng theo ông Phạm Thanh Hà, quan điểm điều hành của NHNN là hỗ trợ giảm lãi suất đối với các nhu cầu vay vốn trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô phù hợp, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Bên cạnh các giải pháp miễn, giảm lãi trong thời gian qua, việc giảm 0,5%/năm đối với lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên sẽ làm giảm chi phí vốn của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát, NHNN giảm nhẹ lãi suất huy động kỳ hạn dưới sáu tháng (lãi suất trên sáu tháng vẫn theo cơ chế thỏa thuận) sẽ tạo điều kiện cho TCTD cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng kéo dài kỳ hạn, qua đó, TCTD thuận lợi hơn trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.
Ngay sau quyết định của NHNN, thị trường đã ghi nhận sự điều chỉnh đồng loạt của các TCTD. Cụ thể ngay ngày 17-3, các ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới sáu tháng. Theo đó, hầu hết các ngân hàng áp dụng mức lãi suất cao nhất đối với các khoản tiền gửi một tháng đến dưới sáu tháng chỉ còn 4,75%/năm. Một số ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn nhà nước như Vietcombank điều chỉnh lãi suất kỳ hạn một tháng và hai tháng xuống còn 4,3%/năm, kỳ hạn ba tháng xuống còn 4,7%/năm; VietinBank niêm yết lãi suất kỳ hạn ba tháng đến dưới sáu tháng ở mức 4,75%/năm, lãi suất kỳ hạn một tháng đến ba tháng ở mức 4,3%/năm... Với các khoản tiền gửi dưới một tháng hoặc không kỳ hạn, các ngân hàng cũng điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,8%/năm xuống cao nhất còn 0,5%/năm…
Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng, mức giảm lãi suất huy động vẫn đủ hấp dẫn, người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng. Bên cạnh đó, NHNN giảm mạnh lãi suất tái cấp vốn cũng cho thấy nhà điều hành sẵn sàng cung ứng nguồn vốn chi phí thấp hơn để các NHTM mạnh dạn hơn trong cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới. Cùng quan điểm, TS Bùi Quang Tín cũng nhận định gửi tiết kiệm vẫn đang là kênh đầu tư phù hợp trong bối cảnh hiện nay, khi mà chứng khoán đang rủi ro, thanh khoản thị trường bất động sản cũng còn kém. Mức lãi suất tiền gửi ngân hàng cao hơn mức lạm phát kỳ vọng 4% năm nay thì vẫn đang tạo ra lợi tức nhất định cho người gửi.
Phó Tổng Giám đốc HD Bank Lê Thành Trung cho biết, việc NHNN giảm các mức lãi suất sẽ giúp ngân hàng có điều kiện cân đối nguồn vốn huy động với kỳ hạn dài hơn, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ vốn tốt hơn cho khách hàng một cách đồng bộ và bền vững. Cụ thể ở đây, HD Bank sẽ xem xét các đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để có giải pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng.
Việc giảm lãi suất lần này sẽ mở ra cánh cửa để nguồn vốn chi phí thấp có cơ hội chảy mạnh hơn ra nền kinh tế. Song theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, việc giảm lãi suất điều hành cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, mà sẽ tác động gián tiếp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bởi theo TS Lê Xuân Nghĩa, các yếu tố có thể tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô là lạm phát, tỷ giá có xu hướng hạ nhiệt. Ðơn cử với tỷ giá, việc Fed giảm lãi suất sẽ làm giảm độ hấp dẫn của đồng USD, khiến đồng USD giảm giá, qua đó làm dịu áp lực đến tỷ giá trong nước. Trong khi đó với lạm phát, nguyên nhân CPI tăng cao trong hai tháng đầu năm chủ yếu là do các cú sốc từ phía cung như giá thịt lợn, xăng dầu, dịch vụ y tế,...
Nhưng hiện nay do sức cầu đang rất yếu nên tác động của các cú sốc từ phía cung sẽ giảm dần trong thời gian tới và lạm phát CPI so với cùng kỳ năm trước sẽ dần tiệm cận mức lạm phát cơ bản. Áp lực cung tiền từ tăng trưởng tín dụng lại càng thấp. Ðến đầu tháng 3, tín dụng mới tăng 0,1%, trong khi thanh khoản của các NHTM rất dồi dào... Vì vậy, động thái cắt giảm lãi suất của NHNN không nhằm mục đích kích cầu mà quan trọng nhất là hỗ trợ các NHTM, hỗ trợ doanh nghiệp có điều kiện cầm cự qua giai đoạn khó khăn này để có khả năng phục hồi khi dịch Covid-19 qua đi.
Mức độ điều chỉnh lãi suất như vậy là phù hợp. Khi lãi suất điều hành giảm sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến các hoạt động vay mượn trên hệ thống liên ngân hàng, qua đó giúp giảm chi phí cho các TCTD. Ðiều đó cũng sẽ tác động gián tiếp đến giảm lãi suất trên thị trường dân cư, và tạo ra tác động tổng thể đến giảm mặt bằng lãi suất cho cả nền kinh tế.
TS Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính ngân hàng
|
HỒNG ANH - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)