Nỗ lực cùng Chính phủ bảo đảm an sinh xã hội

Thứ ba, 24 Tháng 3 2020 07:58 (GMT+7)
Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như nền kinh tế đất nước. Làm thế nào để tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, đồng thời bảo đảm quyền lợi chế độ chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) cho người lao động...? Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam TRẦN ÐÌNH LIỆU (trong ảnh) đã trao đổi cùng Báo Nhân Dân về vấn đề này.
Nỗ lực cùng Chính phủ bảo đảm an sinh xã hội
 
Phóng viên: Ngày 4-3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) và ứng phó dịch Covid-19, trong đó giao BHXH Việt Nam xem xét có thể tạm dừng đóng BHXH từ sáu đến 12 tháng cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ðồng chí có thể cho biết BHXH Việt Nam đã thực hiện chỉ thị này như thế nào?
 
Phó Tổng Giám đốc Trần Ðình Liệu: Ngay sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH), BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 860/BHXH-BT ngày 17-3-2020 hướng dẫn BHXH các địa phương thực hiện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp Sở LÐ-TB và XH, Sở Tài chính báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, hướng dẫn, tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động. Trong đó, số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) theo quy định tại khoản 1 Ðiều 88 Luật BHXH 2014; các Khoản 1, 2, 3 và 4, Ðiều 16 Nghị định 11/2015/NÐ-CP và Ðiều 28 Thông tư 59/2015/TT-BLÐTBXH.
 
BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các địa phương tiếp nhận, giải quyết ngay hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6-2020 khi nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp và không tính lãi theo quy định. Trong trường hợp đến hết tháng 6-2020, dịch Covid-19 vẫn chưa giảm, nếu doanh nghiệp có đề nghị thì kịp thời phối hợp Sở LÐ-TB và XH, Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh, thành phố gửi BHXH Việt Nam xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12-2020.
 
Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm. Ðồng thời, hằng tháng đôn đốc doanh nghiệp đóng đầy đủ, kịp thời quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, quỹ BHYT và BH thất nghiệp để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Kết thúc thời gian tạm dừng đóng (hết tháng 6-2020), kịp thời thông báo và đôn đốc doanh nghiệp đóng đầy đủ các quỹ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất, bao gồm cả việc đóng bù quỹ hưu trí và tử tuất của thời gian tạm dừng đóng trước đó. BHXH các địa phương cũng thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo đúng quy định của pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tránh lạm dụng, trục lợi...
 
Phóng viên: Thực hiện nội dung hướng dẫn này, BHXH các địa phương phải làm gì để triển khai hiệu quả?
 
Phó Tổng Giám đốc Trần Ðình Liệu: Ðể thực hiện hiệu quả hướng dẫn nêu trên, ngành BHXH cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan LÐ-TB và XH, Tài chính và nhất là vai trò của các chính quyền địa phương, qua đó bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong quá trình thực hiện; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục.
 
Với trách nhiệm của mình, BHXH Việt Nam sẽ cùng BHXH các địa phương bám sát tình hình tại doanh nghiệp. Nếu có sụt giảm lao động do ảnh hưởng dịch Covid-19 thì BHXH các địa phương phải kịp thời tham mưu UBND tỉnh theo Nghị định 115, để có thể dừng khoản đóng góp vào quỹ hưu trí, tử tuất. Tuy nhiên, các khoản đóng cho các chế độ ngắn hạn vẫn phải đóng nộp đầy đủ để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Ðây là cơ chế hỗ trợ theo quy định của luật nhưng cũng giúp doanh nghiệp giữ được số lao động và lấy tiền vốn đó để xử lý những khó khăn trước mắt. Ðể làm được điều này, đòi hỏi Giám đốc BHXH các địa phương phải bám sát tình hình tại địa phương cũng như của doanh nghiệp, chủ động phối hợp liên ngành để đánh giá thực trạng của từng ngành nghề bị tác động, đưa ra những quyết sách đúng để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp và người lao động. Ðồng thời, kiên quyết không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi...
 
Phóng viên: Bảo đảm ASXH cũng là yêu cầu quan trọng được nhấn mạnh trong Chỉ thị số 11. Là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, đồng chí cho biết, BHXH Việt Nam đã và đang có những chỉ đạo, thực hiện như thế nào?
 
Phó Tổng Giám đốc Trần Ðình Liệu: Chúng ta đã biết, bản chất của BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động trong các trường hợp rủi ro không may. Trong bối cảnh doanh nghiệp cũng như người lao động đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thì chính sách BHXH, BHYT cần được thực hiện tốt, qua đó cho thấy hiệu quả thiết thực bảo đảm ASXH.
 
Cơ quan BHXH cùng với nhiệm vụ thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thì một nội dung quan trọng là phải bảo đảm quyền lợi BHXH, BHYT cho người dân, người lao động. Chính vì thế, trong thời gian qua, ngoài các nội dung công việc thường xuyên, BHXH Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo một số nội dung công việc cụ thể, phù hợp yêu cầu thực tế diễn biến dịch Covid-19.
 
Theo đó, BHXH Việt Nam đã có công văn gửi Bộ LÐ-TB và XH, Bộ Y tế về giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động được yêu cầu thực hiện biện pháp cách ly y tế phòng dịch Covid-19. Những người bị cách ly y tế để phòng dịch theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền sẽ được hưởng chế độ ốm đau theo quy định trong thời gian cách ly y tế. Ðối với trường hợp cách ly tại cơ sở (ngoài nhà riêng), cơ sở thực hiện cách ly y tế có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly cho người được áp dụng biện pháp cách ly, để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn liên quan. Ðối với trường hợp cách ly tại nhà, BHXH Việt Nam đồng ý để trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi người lao động cư trú căn cứ danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà được trưởng ban chỉ đạo chống dịch cấp xã phê duyệt, có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động để làm căn cứ giải quyết chế độ ốm đau theo quy định...
 
Trước đó, BHXH Việt Nam cũng đã có công văn chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời khám, chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT khi nghi ngờ nhiễm vi-rút. Chỉ đạo BHXH các tỉnh thực hiện việc giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo đúng quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Yêu cầu BHXH các tỉnh thực hiện ngay việc tạm ứng kinh phí cho các cơ sở khám, chữa bệnh để bảo đảm hoạt động; nguồn kinh phí khám, chữa bệnh BHYT của quý I-2020 đã được BHXH Việt Nam cấp đầy đủ, nhất là BHXH các tỉnh, thành phố có người bệnh được phát hiện nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm vi-rút…
 
Ðồng thời, đối với những lao động khi mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh, BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ cùng cơ quan LÐ-TB và XH giải quyết thủ tục, bảo đảm quyền lợi BH thất nghiệp cho người lao động, đây là nguồn kinh phí hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn trước mắt.
 
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
 
ANH THU - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm