Trợ lực doanh nghiệp bằng chính sách tài khóa

Thứ tư, 25 Tháng 3 2020 10:39 (GMT+7)
Động thái mạnh giảm một loạt lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gởi và cho vay mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được đánh giá là đúng thời điểm và sẽ tác động tích cực tới doanh nghiệp (DN). Song, sự tác động này chỉ mang tính trung, dài hạn.
Tạo nguồn vốn rẻ
 
Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giảm mạnh lãi suất điều hành về mức 0%-0,25%/năm trong vòng 2 tuần vào ngày 16-3, ngân hàng trung ương nhiều nước đã có các động thái tương tự.
 
Từ ngày 17-3, NHNN cũng quyết định giảm một loạt lãi suất điều hành để góp phần tiếp tục hỗ trợ DN, người dân vay vốn. Động thái này của NHNN nhằm phù hợp với diễn biến thị trường quốc tế, do áp lực lạm phát đã giảm bớt, giá dầu giảm mạnh. Đặc biệt là được hỗ trợ bởi nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước, củng cố vững chắc trong những năm qua.
 
Việc giảm các lãi suất điều hành, trong đó có lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chào mua trên thị trường mở (OMO)… phát tín hiệu về sự sẵn sàng của NHNN hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) khi cần tiếp cận vốn.
Trợ lực doanh nghiệp bằng chính sách tài khóa ảnh 1
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: PHAN LÊ
 
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết, quan điểm điều hành của NHNN là hỗ trợ giảm lãi suất đối với các nhu cầu vay vốn trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô phù hợp, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống. Ngoài ra, cơ quan điều hành cũng giảm 0,5%/năm đối với lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên, góp phần giảm chi phí vốn cho DN. NHNN cũng giảm nhẹ lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng (lãi suất trên 6 tháng vẫn theo cơ chế thỏa thuận - PV) sẽ tạo điều kiện cho TCTD cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng kéo dài kỳ hạn, thuận lợi hơn trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, nhằm hỗ trợ khách hàng theo quy định tại Thông tư số 01/2020 của NHNN (quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19).
 
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, cho rằng, dù hạ lãi suất có ý nghĩa nới lỏng nhưng tác động nới lỏng không lớn. Hiện sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang giảm nên giảm lãi suất điều hành thời điểm này không nhằm mục đích kích cầu, mà chủ yếu là để gián tiếp tạo nguồn vốn rẻ hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn. Do đó, việc hạ lãi suất không tác động tiêu cực đến vĩ mô, không làm tăng lạm phát.
 
Tăng thêm hỗ trợ
 
Quyết định cắt giảm và mức độ cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là phù hợp và đúng thời điểm. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, mức độ tác động các lãi suất điều hành đến lãi suất thị trường thường sẽ hạn chế và có độ trễ nhất định.
 
Riêng việc hạ trần lãi suất tiền gởi kỳ hạn dưới 6 tháng (từ 5% xuống 4,75%) và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên (từ 6% xuống 5,5%) sẽ có tác động nhanh hơn.
 
Thực tế cho thấy, ngay sau khi NHNN giảm lãi suất, các NHTM đã đồng loạt hạ lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng. Qua đó, có thêm nguồn lực để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, giúp các DN có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ. 
 
Trong 2 tháng qua, tín dụng chỉ tăng trưởng 0,06% - tức là chỉ có khoảng 5.000 tỷ đồng được giải ngân thêm ra thị trường. Không ít các NHTM trong tháng 2 không có tăng trưởng tín dụng. Lãnh đạo một ngân hàng nhìn nhận, dù ngân hàng đã giảm lãi vay 1%-1,5%/năm trước đó và đưa ra nhiều gói ưu đãi, nhưng DN không có nhu cầu vay do sản xuất kinh doanh ngưng trệ.
 
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc hạ lãi suất chưa đủ để đưa nền kinh tế vượt qua khủng hoảng. Bởi, việc giảm lãi suất điều hành chỉ tác động vào thị trường. Trong khi đó, vấn đề của nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, không phải chỉ ở nền kinh tế tiền tệ mà còn nằm ở nền kinh tế hàng hóa. Chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị gián đoạn nên cung cầu đều giảm. Các biện pháp về chính sách tiền tệ chỉ là biện pháp hỗ trợ. Do đó, bên cạnh chính sách tiền tệ, cần sự trợ lực của chính sách tài khóa, thông qua các gói hỗ trợ nhanh, mạnh nhằm giúp DN đang bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 có thanh khoản để trang trải chi phí, trả tiền cho đối tác, trả lương, trả lãi vay… 
 
TS Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TPHCM, cho rằng, vấn đề mà DN mong muốn lúc này là Chính phủ cần tăng thêm hỗ trợ qua chính sách tài khóa như giảm thuế, phí… và tăng chi tiêu của Chính phủ. Vì khi giảm thuế, phí, DN sẽ giảm bớt gánh nặng về tài chính. Còn việc Chính phủ tăng chi tiêu tức là số tiền dành cho đầu tư công sẽ nhiều hơn, tạo thêm việc làm giúp cho nền kinh tế có thêm tiền, làm tăng sức mua, kích thích DN sản xuất hàng hóa.
 
“Trong thời điểm này, việc hỗ trợ DN thông qua chính sách tài khóa sẽ quan trọng hơn chính sách tiền tệ” - TS Bùi Quang Tín nhấn mạnh.
 
NHUNG NGUYỄN - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm