Nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ tài khóa

Thứ hai, 13 Tháng 4 2020 10:36 (GMT+7)
Ngày 8-4 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Việc triển khai nghị định này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam đang gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 với quy mô hỗ trợ lên tới 180 nghìn tỷ đồng. Để gói hỗ trợ DN “chưa từng có” lần này nhanh chóng phát huy hiệu quả, cần triển khai khẩn trương với thủ tục đơn giản, minh bạch, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng.
Nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ tài khóa
Người dân làm các thủ tục về thuế tại bộ phận một cửa, Cục Thuế Vĩnh Phúc. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
 
Tiếp sức cho doanh nghiệp
 
Công ty cổ phần FECON là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình, trong đó tập trung vào chuyên ngành sâu là nền móng và công trình ngầm. Được thành lập từ năm 2004, đến nay FECON đã trở thành một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực nền móng công trình tại Việt Nam với 20 công ty con, tổng tài sản đạt hơn 5.000 tỷ đồng, gần 2.000 người lao động trong toàn hệ thống. Tuy nhiên, trước tác động của dịch Covid-19, ba tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu của FECON đã giảm nhanh. Theo Giám đốc tài chính FECON Nguyễn Thị Nghiên, hiện tại, nhiều dự án liên tục bị chậm tiến độ và dừng triển khai, nhất là lĩnh vực điện gió, bất động sản, phát triển khu công nghiệp, nhà máy... do các chủ đầu tư, nhà cung cấp vật tư, thiết bị đều đã có thông báo chậm hoặc tạm ngừng triển khai dự án.
 
Bài toán tài chính của FECON rất khó giải, khi các dự án trong nước và nước ngoài của FECON đều gặp trở ngại trong quá trình nghiệm thu, thanh quyết toán do các đối tác vướng mắc nhiều điều kiện và khả năng thanh toán. Thêm vào đó, chi phí phát sinh tăng cao do các dự án phải kéo dài thời gian chờ vật tư, máy móc thiết bị, vận chuyển... “Chính vì vậy, việc cho phép doanh nghiệp giãn tiến độ nộp thuế và tiền thuê đất đã giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính để duy trì hoạt động, bảo đảm thu nhập cho người lao động trong giai đoạn này”, bà Nguyễn Thị Nghiên cho biết.
 
Công ty TNHH Hoàng Viên Quảng Bá (Hà Nội) là liên doanh của Công ty cổ phần tập đoàn BRG và Công ty TNHH nhà nước một thành viên Du lịch Công đoàn Hà Nội. Công ty sở hữu và vận hành tổ hợp căn hộ cho thuê cao cấp, và đây cũng là lần đầu DN phải đối mặt những khó khăn bất ngờ, không thể lường trước. Theo Phó Tổng giám đốc Lê Anh Quân, từ doanh thu hơn 100 tỷ đồng/năm, tới nay, doanh thu của công ty sụt giảm tới 50%, người lao động phải đối mặt với tình trạng nghỉ việc; chưa kể mọi chi phí đều tăng cao, tạo áp lực nặng nề về tài chính. Nếu tình hình còn kéo dài, nguồn dự trữ của công ty cạn kiệt, lúc đó chưa tiên liệu được tình hình kinh doanh sẽ như thế nào. “Vì vậy, việc được phép giãn thời hạn nộp thuế đối với công ty như một “lực hỗ trợ” rất mạnh cho DN có thêm sức sống, duy trì hoạt động và chờ đợi cơ hội thị trường hồi phục để tiếp tục kinh doanh”, Phó Tổng giám đốc Lê Anh Quân nói.
 
Đồng bộ trong thực hiện chính sách
 
Cùng với gói hỗ trợ tín dụng, gói hỗ trợ tài khóa lần này đã thật sự được cộng đồng DN đón đợi. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho DN là động thái kịp thời, đúng thời điểm, lại có hiệu lực ngay, đã thúc đẩy quá trình Nhà nước đồng hành cùng DN vượt khó. Đây là chính sách hỗ trợ trúng đối tượng, đúng vấn đề bức thiết, với biện pháp thực hiện đơn giản, hợp lý, kịp thời, công khai minh bạch. Tuy nhiên, cũng vì phải bảo đảm được các nguyên tắc trúng, đúng, đơn giản, hợp lý và công khai đó, cần phải ngăn chặn cơ chế xin - cho. “Có nghĩa là cần hỗ trợ đúng đối tượng, công khai các đối tượng này và có cơ chế kiểm soát việc DN xin, cơ quan có thẩm quyền cho, tức là tránh tình trạng “chạy” hỗ trợ”, chuyên gia Vũ Đình Ánh nói.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên, gói hỗ trợ có ý nghĩa và tác động rất lớn tới đời sống xã hội và cộng đồng DN. Với gần 100% DN trong diện được trợ giúp, sự hỗ trợ này sẽ giúp nhiều DN đang trên bờ vực phá sản được tiếp sức. Từ đó, sẽ duy trì được mối dây liên kết của chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, cần lưu ý đây là gói hỗ trợ, chưa phải là gói kích thích kinh tế, cho nên yêu cầu để thực thi tốt trong thực tế là phải đơn giản, nhanh gọn về thủ tục. Điều này đã làm được khi nghị định được áp dụng ngay khi ban hành và chỉ cần một lần đăng ký qua mạng là được tiếp nhận và công nhận. Nhưng quan trọng hơn nữa là số tiền phải chính xác, theo dõi hạch toán phải đầy đủ, đồng thời làm khẩn trương, kịp thời thì mới ngấm ngay vào nền kinh tế.
 
Đại diện các DN cũng cho rằng, bên cạnh thực thi nhanh, gọn, hỗ trợ thẳng vào tài chính DN, cần phải thực thi thêm chính sách tín dụng theo hướng nhanh, gọn, trúng, hiệu quả.
 
Nghị định số 41/2020-NĐ-CP có rất nhiều điểm mới so với các gói hỗ trợ tài khóa đã áp dụng trước đây. Từ trước đến nay, khi xử lý về các loại thuế, ít khi đề xuất về thuế GTGT, nhưng lần này, thuế GTGT được giãn nộp, miễn tính tiền chậm nộp. Do thuế GTGT nằm trong giá bán sản phẩm, dịch vụ, chỉ trừ không bán hàng, không cung cấp dịch vụ được thì không phát sinh, còn có bán, có cung cấp dịch vụ thì dù lỗ hay lãi cũng phải nộp thuế theo quy định. Việc gia hạn toàn bộ thuế GTGT năm tháng cho DN bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn được áp dụng rất rộng ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề như: sản xuất, xây dựng,vận tải; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế, du lịch, các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; hoạt động chiếu phim..., thậm chí cả hoạt động kinh doanh bất động sản, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 mà trước đây hầu như không xử lý. Do đó, nhiều tổ chức, cá nhân gặp khó khăn sẽ được hưởng lợi từ gói giải pháp này.
 
Bà NGUYỄN THỊ CÚC
 
Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam
SÔNG TRÀ - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm