Một trang mạng xã hội giả mạo cơ quan Bảo hiểm xã hội Bình Dương để thu gom sổ của người lao động.
Giả mạo cơ quan BHXH
Những ngày vừa qua, nhiều công nhân tại tỉnh Bình Dương tham gia nhóm Facebook “Công nhân KCN Mỹ Phước Club” bàn tán xôn xao khi bỗng nhiên có nhiều đầu mối vào đăng thông tin kêu gọi công nhân bán sổ BHXH. Một nữ công nhân có nickname Le Thu, cho biết, chị từng làm cho một doanh nghiệp tại KCN Mỹ Phước, nhưng đã nghỉ việc từ trước Tết Nguyên đán, đang tính xin việc làm mới, thì gặp đợt dịch bệnh cho nên hiện phải ở nhà. Hoàn cảnh khó khăn, trong khi nếu chờ lĩnh BHXH một lần theo đúng quy định thì phải đủ một năm sau khi nghỉ việc, do đó khi hay tin có người mua sổ BHXH, chị đã liên hệ để bán ngay. Tuy nhiên, mức giá mà đối tượng trả cho cuốn sổ BHXH đã tham gia được 5 năm của chị rẻ quá, nên chị đang phân vân.
Thông tin mua bán sổ BHXH được đối tượng xấu đưa vào các nhóm tập trung đông công nhân. Tìm trên mạng xã hội sẽ dễ dàng thấy các trang, như: trang “Mua sổ bảo hiểm xã hội” có hơn 14 nghìn người theo dõi với những lời chào mời mua sổ BHXH giá cao, mua sổ BHXH trước thời hạn, thanh lý sổ BHXH xuyên mùa dịch...; trang “Mua sổ bảo hiểm xã hội toàn cầu” cũng có hơn 20 nghìn người theo dõi với những lời mời chào tương tự; tại nhóm có tên gọi “Thu mua sổ bảo hiểm xã hội giá cao”, đối tượng tung ra chiêu “khuyến mãi” cho những công nhân bán sổ BHXH như: “Lì xì ngay 300 k cho khách giao dịch chiều nay hoặc sáng mai. Không phân biệt sổ tháng nào lớn hay nhỏ đều có. Liên hệ 086.641...”... Có một điểm chung rất dễ nhận thấy, đó là hầu hết các đối tượng đều lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để gây tâm lý sợ hãi, kích động công nhân bán sổ BHXH, với các cụm từ như “Dịch bệnh lây lan liên tục”; “Người người nhà nhà nghỉ việc chăm con để bảo đảm an toàn cho sức khỏe”... Không ít công nhân đã nhắn tin cho các trang này tìm hiểu, liên hệ bán sổ BHXH mà không nghĩ tới hậu quả lâu dài.
Thậm chí, các đối tượng còn lập trang Facebook giả danh BHXH tỉnh Bình Dương để dụ công nhân bán sổ. Cụ thể, trang “Bảo hiểm xã hội Bình Dương” có giao diện, ngôn từ rất dễ gây nhầm lẫn với cơ quan BHXH. Trang này cho biết mục đích là “hỗ trợ” công nhân nhận được BHXH một lần, không giữ giấy tờ gốc của công nhân, đặc biệt là thủ tục nhanh chóng “chỉ 30 phút là công nhân nhận được tiền”.
Ngay sau khi có thông tin, ngày 8-4, BHXH tỉnh đã có văn bản gửi Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ (PA06, Công an tỉnh Bình Dương), Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương, khẳng định việc BHXH tỉnh Bình Dương chỉ sử dụng Cổng thông tin điện tử duy nhất là: https://binhduong.baohiemxahoi.gov.vn. Để bảo đảm quyền lợi chính đáng của NLĐ cũng như uy tín của ngành BHXH, BHXH tỉnh Bình Dương đề nghị Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức mạo danh cơ quan nhà nước trên không gian mạng nhằm trục lợi, nhất là trong đợt dịch Covid-19. Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương Lê Minh Lý cho biết, đây là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng NLĐ và uy tín của cơ quan BHXH tỉnh, đề nghị cơ quan công an vào cuộc làm rõ. Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lê Minh Lý cho rằng, NLĐ nếu vì cái lợi trước mắt phải bán sổ BHXH cho những người thu gom sẽ bị ép giá, số tiền nhận được thấp hơn số tiền cơ quan BHXH chi trả. Không những thế, toàn bộ quá trình đóng BHXH sẽ bị mất, đến khi hết dịch Covid-19 đi làm trở lại, họ sẽ phải tham gia BHXH lại từ đầu, ảnh hưởng chế độ lương hưu sau này...
Tuy mới xảy ra tại một số địa phương phía nam, nhưng, trước thực trạng này, cơ quan BHXH Việt Nam chính thức có ý kiến: Tất cả các hoạt động mua bán, thu gom sổ BHXH dưới bất kỳ hình thức nào đều là bất hợp pháp và bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Đồng thời, khẳng định các tài khoản Facebook mang tên cơ quan BHXH hay BHXH Bình Dương để thực hiện hành vi nêu trên đều là giả mạo. BHXH Việt Nam đã gửi thông tin về các trang Facebook với mục đích mua, thu gom sổ BHXH của NLĐ để trục lợi tới Bộ Công an để xử lý, ngăn chặn. BHXH Việt Nam cũng đã yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường công tác truyền thông, cảnh báo người dân và kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm để kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý.
Người lao động cần tỉnh táo
Có thể nói, có tình trạng thu gom, mua sổ BHXH như hiện nay là quy định cho phép NLĐ được nhận BHXH một lần còn khá “thoáng”. NLĐ có thể mang sổ BHXH của mình đến bất cứ cơ quan BHXH nào trong cả nước để làm thủ tục. Do đó, các đối tượng có thể thu gom sổ BHXH, rồi mang đến các tỉnh, thành phố khác để làm thủ tục. Trong khi đó, nếu người nhận ủy quyền hợp pháp, tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Dân sự về ủy quyền, thì cơ quan BHXH lại không có quyền từ chối giải quyết... Cùng với việc tăng cường tuyên truyền chính sách cho NLĐ, BHXH Việt Nam nên nghiên cứu giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn tình trạng này, giúp NLĐ bảo vệ quá trình đóng BHXH của mình, để về sau được hưởng lương hưu.
Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) Đinh Thị Thu Hiền cho rằng, dịch Covid-19 đã gây nhiều xáo trộn, khó khăn trong cuộc sống của nhiều lao động, khiến họ có nguy cơ mất việc làm, giảm thu nhập... Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có cuốn sổ BHXH làm vốn để dành cho mình. Do đó, cơ quan BHXH rất mong NLĐ cân nhắc thận trọng để giữ lại tài sản này, vì nếu chuyển sổ BHXH cho người khác trước tiên sẽ ảnh hưởng không tốt đến quyền hưởng an sinh xã hội của chính bản thân NLĐ, khi phải nhận số tiền ít hơn số tiền BHXH họ đáng được hưởng, trong trường hợp chưa đủ 12 tháng nghỉ việc mà họ có việc làm tiếp tục đóng BHXH thì sổ BHXH cũ sẽ không là căn cứ để giải quyết hưởng BHXH một lần khi đó tranh chấp giữa NLĐ và người giữ sổ BHXH sẽ rất phức tạp. Việc NLĐ chuyển sổ BHXH cho người khác có thể tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật và gây bất ổn trong xã hội, đặc biệt trong thời điểm toàn hệ thống chính trị đang tập trung phòng, chống dịch.
Pháp luật về BHXH hiện hành có quy định hành vi bị nghiêm cấm khi chiếm dụng tiền hưởng BHXH hoặc khi làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Do đó, việc thu gom sổ BHXH mà làm giảm quyền hưởng BHXH của NLĐ cũng là hành vi vi phạm pháp luật.
PHẠM MINH - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)