Ảnh minh họa: Đăng Khoa.
Dự thảo Nghị định này quy định việc tổ chức đối thoại và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 63 của Bộ luật Lao động.
Đối tượng áp dụng là người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 Điều 3 của Bộ luật Lao động.
Nghị định không áp dụng đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Về nguyên tắc đối thoại và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc dựa trên ba nội dung chính.
Trước hết là thiện chí, hợp tác, trung thực, bình đẳng, công khai và minh bạch.
Tiếp đó là tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động.
Cuối cùng là tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc không được trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để tổ chức các hoạt động đối thoại theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Bộ luật Lao động và Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc quy định tại Nghị định này.
Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và nhóm đại diện người lao động có trách nhiệm: cử các thành viên đại diện cho tổ chức mình tham gia đối thoại theo quy định; Tham gia ý kiến với người sử dụng lao động về nội dung Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; Lấy ý kiến người lao động, tổng hợp và chuẩn bị nội dung đề nghị đối thoại; Tham gia đối thoại với người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Bộ luật Lao động, Nghị định này và Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
Khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động, tổ chức đại diện người lao động tiến hành đối thoại ngoài những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 63 của Bộ luật Lao động phù hợp với điều kiện thực tế, tổ chức sản xuất, kinh doanh, tổ chức lao động tại nơi làm việc và quy định cụ thể trong Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhóm đại diện người lao động tổ chức đối thoại định kỳ theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Bộ luật Lao động và Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
Người sử dụng lao động phải công khai với người lao động những nội dung cụ thể. Đó là tình hình sản xuất, kinh doanh; Nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của người lao động; Các thỏa ước lao động tập thể mà người sử dụng lao động tham gia;Việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có); Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; Các nội dung khác theo quy định của pháp luật.
Về quy định người lao động được kiểm tra, giám sát, có những nội dung sau.
Đó là việc thực hiện hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể; nội quy lao động, các quy chế và các văn bản quy định khác của người sử dụng lao động liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Ngoài ra còn có việc sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, các quỹ do người lao động đóng góp; trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động.
Người lao động cũng được kiểm tra, giám sát thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Hình thức kiểm tra, giám sát của người lao động thực hiện theo quy định của pháp luật.
PHƯƠNG CHI - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)