Sắp có cơ chế kiểm soát cho vay ngang hàng, người vay sẽ được bảo vệ

Thứ tư, 03 Tháng 6 2020 10:45 (GMT+7)
Một số công ty công nghệ chuyên về lĩnh vực tài chính (Fintech) đang chuẩn bị ý kiến để đóng góp xây dựng nghị định của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính.
Dự thảo nghị định do Ngân hàng Nhà nước soạn thảo, vừa được công bố để lấy ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp. Theo đó, các lĩnh vực Fintech được tham gia cơ chế thử nghiệm bao gồm thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng (P2P Lending), hỗ trợ định danh khách hàng, giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo như Blockchain, các dịch vụ khác hỗ trợ hoạt động ngân hàng (chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn…). Thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech là 1 - 2 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể.
 
Dự thảo nêu rõ hiện nay, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan đang gặp trở ngại trong việc quản lý các hoạt động của Fintech, trong đó có cho vay ngang hàng, thường được biết với cái tên cho vay trực tuyến hoặc vay qua app (ứng dụng điện thoại). Hoạt động này chưa có khung pháp lý để điều chỉnh, gây khó khăn cho việc xác định mô hình hoạt động và công tác quản lý của các cơ quan nhà nước.
Sắp có cơ chế kiểm soát cho vay ngang hàng, người vay sẽ được bảo vệ - Ảnh 1.
Cho vay trực tuyến hiện nay vẫn chưa được thừa nhận và chưa có cơ chế để kiểm soát. Ảnh TL
 
Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước cho rằng Việt Nam cần sớm có một khuôn khổ pháp lý về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho các hoạt động Fintech để thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như hạn chế rủi ro cho khách hàng khi tham gia những dịch vụ này.
 
Dự kiến, nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng sẽ được Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ ban hành trong năm 2020. Và nhiều khả năng từ năm 2021, Việt Nam sẽ chấp thuận cho một số ngân hàng, công ty Fintech tham gia cơ chế thử nghiệm hoạt động cho vay ngang hàng
 
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy số lượng các công ty Fintech tăng nhanh từ khoảng 40 công ty (năm 2016) lên đến khoảng 150 công ty. Trong đó có khoảng 34 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, còn lĩnh vực cho vay ngang hàng có khoảng 40 công ty.
 
Thời gian qua, hoạt động cho vay trực tuyến, tín dụng đen, cho vay nặng lãi núp bóng cho vay trực tuyến xuất hiện tràn lan trên thị trường, không ít trong số đó đến từ nước ngoài, khiến rất nhiều người tiêu dùng mắc bẫy.
 
Thy Thơ - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm