Bà Lý Thị Kim Tuyền, Giám đốc BHXH huyện Vị Thủy, triển khai các chính sách về BHYT, BHXH tự nguyện đến cán bộ nông dân thị trấn Nàng Mau.
Khi người nông dân hiểu về chính sách
Cầm trên tay cuốn sổ BHXH, ông Châu Văn Trực, ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, cho biết: “Phải chi tôi biết chính sách BHXH tự nguyện sớm là tham gia lâu rồi, đâu đợi đến nay. Cuốn sổ nhỏ vậy, chứ có nhiều lợi ích lắm. Bây giờ mình còn làm ra tiền, cố gắng dành dụm đóng BHXH tự nguyện, để khi đóng đủ 20 năm mình hưởng lương hưu. Lúc đó, lớn tuổi rồi đâu có làm nhiều như bây giờ, mình tham gia để dành cho tuổi già sau này”.
Gắn bó với mảnh vườn từ thời niên thiếu, do đó những kiến thức về sâu bệnh trên cây ăn trái không mấy xa lạ với ông Trực, còn những thông tin về chính sách BHXH tự nguyện cũng như phần đông những người dân ở địa phương, đối với ông cũng khá mới mẻ. Tuy nhiên, khi nghe thông tin tham gia BHXH tự nguyện, sau này sẽ có lương hưu, ông Trực rất phấn khởi. “Trước đây, mọi người cứ nghĩ chỉ những người làm việc Nhà nước mới có lương hưu, nhưng giờ người nông dân như tôi cũng có lương hưu, rồi còn được cấp BHYT nữa. Bây giờ mà mua BHYT cũng tốn trên 800.000 đồng rồi. Tôi thấy chính sách BHXH tự nguyện của Nhà nước rất hay và ý nghĩa”, ông Trực bộc bạch.
Người dân tham gia BHXH tự nguyện ngoài việc được hưởng lương hưu theo quy định, được trợ cấp một lần và tử tuất, còn được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT khi nghỉ hưu và hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc. Ngoài ra, người tham gia được đóng 1 lần cho những năm còn thiếu khi đã đủ điều kiện về tuổi đời, nhưng tối đa không quá 10 năm với mức thu nhập tự lựa chọn để rút ngắn quá trình tham gia, sớm được hưởng lương hưu, từ đó, tạo phấn khởi cho nhiều người.
Hiệu ứng tốt từ công tác phối hợp
Để người dân nắm rõ thông tin về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT, hội nông dân các cấp đã phối hợp với BHXH địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động. Đặc biệt, có những đại lý thu là cán bộ hội nông dân nên việc vận động có nhiều thuận lợi. Đơn cử như trường hợp anh Chế Tấn Tài, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thuận Tây. Trong công việc, anh Tài có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều người dân, vì vậy anh luôn tích cực vận động hội viên cùng tham gia BHYT, BHXH tự nguyện.
Khi tuyên truyền chính sách đến người dân, anh Tài giải thích ngắn gọn về quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT, cũng như tư vấn cụ thể cho người dân về thủ tục, phương thức, mức đóng, mức giảm trừ và mức hỗ trợ của Nhà nước... Qua đó, giúp bà con hiểu hơn về những lợi ích của chính sách BHYT, BHXH tự nguyện của Nhà nước. “Trong tuyên truyền mình phải nói sao cho rõ ràng, dễ hiểu để mọi người đồng thuận tham gia. Không chỉ tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp, khi gặp gỡ mọi người ở đâu, nếu có cơ hội là tôi vận động ngay. Chẳng hạn, hôm trước ở quán cà phê, khi nghe có người hỏi về BHXH tự nguyện, tôi liền tư vấn ngay và kết quả là họ đã tham gia”, anh Tài bộc bạch.
Nhờ được anh Tài giải thích rõ ràng, bà Nguyễn Thị Thu Thảo, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, đã tham gia BHYT cho cả hộ gia đình. Theo bà Thảo, tham gia BHYT có rất nhiều cái lợi. Một thẻ BHYT chỉ tốn trên 800.000 đồng, nhưng nếu mắc bệnh hiểm nghèo, thì chi phí cao gấp nhiều lần. Do đó, gia đình mua BHYT để phòng thân.
BHXH, BHYT là trụ cột trong chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, nhằm chăm sóc tốt sức khỏe cũng như đảm bảo cuộc sống cho người dân khi hết tuổi lao động. Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh và BHXH tỉnh đã phối hợp tổ chức hội nghị tuyên truyền về chính sách BHYT, BHXH tự nguyện cho cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh.
Thông qua các cuộc hội nghị nhiều nội dung liên quan đến chính sách BHXH, BHYT được cán bộ BHXH tỉnh, BHXH huyện phổ biến đến người dân. Lồng ghép với đó, hai đơn vị còn thường xuyên tuyên truyền những điều cần biết về BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình để người dân nắm bắt, tham gia kịp thời qua tờ rơi, tờ bướm tuyên truyền…
Ông Nguyễn Huy Cường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: “Để giúp các hội viên nông dân hiểu rõ về chính sách BHYT, BHXH tự nguyện, hàng năm chúng tôi đã phối hợp với BHXH tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ tuyên truyền viên nông dân các cấp. Tại đó, các cán bộ ngành BHXH sẽ giải thích cụ thể về quyền lợi khi tham gia BHYT, BHXH tự nguyện, đồng thời giải thích rõ những thắc mắc của các cán bộ nông dân, để mọi người thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động. Cùng với đó, chúng tôi còn tuyên truyền qua bản tin nông dân hàng tháng”.
183.119 người dân thuộc đối tượng nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT
- Theo số liệu của BHXH tỉnh, tính đến cuối tháng 5-2020, toàn tỉnh có 183.119 người dân thuộc đối tượng nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT, góp phần nâng số người tham gia BHYT trên địa bàn toàn tỉnh đạt hơn 619.800 người; nâng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân của tỉnh lên 84,56% và 4.382 người tham gia BHXH tự nguyện. Để tiếp tục nâng cao tỷ lệ hội viên nông dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện, theo ông Nguyễn Huy Cường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, trong thời gian tới hội tiếp tục phối hợp với BHXH tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hội viên. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, để hội viên chủ động tham gia BHYT, BHXH tự nguyện.
|
Phong trào thi đua cán bộ, hội viên, nông dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình
- Nội dung thi đua gồm hội nông dân cấp xã, mỗi đơn vị tuyên truyền, vận động tham gia BHYT hộ gia đình đạt tỷ lệ từ 90% trở lên/tổng số hộ của xã; phấn đấu mỗi đơn vị cấp xã có ít nhất 50 người tham gia BHXH tự nguyện. Thời gian phát động thực hiện từ tháng 5 đến hết tháng 10-2020. Cơ cấu giải thưởng tập thể gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba, 5 giải khuyến khích và 8 giải cá nhân.
|
Bài, ảnh: BÍCH CHÂU - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)