Nhân viên Ngân hàng Agribank chi nhánh Ðức Hòa (Long An) hướng dẫn khách hàng nạp tiền tự động tại ATM.
Công nghệ thanh toán mới
Theo số liệu mới nhất của NHNN, Việt Nam hiện có 88,5 triệu tài khoản ngân hàng. Riêng hệ thống thanh toán của NHNN xử lý 17 tỷ USD giá trị giao dịch mỗi ngày. Trong bốn tháng đầu năm 2020, thanh toán qua thẻ, in-tơ-nét và điện thoại di động đều tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể: Thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh in-tơ-nét tăng 3,2% về số lượng và 45,7% về giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 198,8% về số lượng và 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện TTKDTM nhiều hơn. Thanh toán dịch vụ công tiếp tục được mở rộng, triển khai rộng rãi.
Ngoài ra, một khảo sát được công bố mới đây của VISA cũng ghi nhận, người tiêu dùng Việt Nam giảm sử dụng tiền mặt do tăng cường thanh toán kỹ thuật số qua các công nghệ thanh toán mới như thanh toán thẻ không tiếp xúc, thanh toán trên các thiết bị di động và thương mại điện tử. Theo khảo sát này, 74% người tiêu dùng tại Việt Nam kỳ vọng tăng cường TTKDTM trong 12 tháng tới. Ðối với nhóm người dùng mang theo ít tiền mặt, lý do chính là vì ngày càng có nhiều nơi chấp nhận TTKDTM. Ðồng thời, nhiều người chưa từng thanh toán không tiếp xúc cũng bày tỏ sự quan tâm tới phương thức này. Thậm chí, một số loại hình mới như thanh toán sinh trắc học (xác thực bằng vân tay, giọng nói) hay thông qua ngân hàng số cũng thu hút hơn 80% người tiêu dùng quan tâm.
Tuy nhiên, liệu trong thời gian tới, nhất là sau khi hết dịch Covid-19, phương thức thanh toán không tiền mặt có tiếp tục được duy trì và có thể thay thế phương thức thanh toán bằng tiền mặt truyền thống hay không vẫn là câu hỏi lớn. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) Nguyễn Quang Hưng đã đưa ra một nhận định khá thận trọng khi cho rằng, ông không lạc quan Covid-19 sẽ thành cú huých thay đổi thị trường nhưng với khoảng thời gian giãn cách xã hội vừa qua đã có rất nhiều người có cơ hội thử các phương thức thanh toán mới. Khi hết dịch, họ sẽ xem đây là một phương tiện thay thế cho tiền mặt, từ đó dần dần thay đổi thói quen và thay đổi hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng, qua đó sẽ tăng lượng TTKDTM tại Việt Nam.
Bổ sung hành lang pháp lý
Việc thay đổi hành vi thanh toán trong thời gian vừa qua không chỉ làm dấy lên cuộc đua TTKDTM giữa các ngân hàng thương mại mà còn giữa các doanh nghiệp, công ty công nghệ. Theo đại diện lãnh đạo Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), đơn vị này đặt mục tiêu trong vòng 4 đến 5 năm tới, tỷ lệ TTKDTM tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food, Co.op Smile,… đạt 30%. Vài năm trở lại đây, Saigon Co.op đã đẩy mạnh truyền thông về lợi ích của việc mua sắm không tiền mặt cho người tiêu dùng tại hơn 800 điểm bán là siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food,… như khuyến mãi, tặng quà cho người dùng khi mua hàng trả qua thẻ, quét mã QR hoặc dùng ví điện tử. Ðặc biệt, ngay trong tháng 6 này, hưởng ứng chương trình “Ngày không tiền mặt”, Saigon Co.op tiếp tục phối hợp cùng các ngân hàng, các tổ chức thanh toán trung gian và ví điện tử đưa ra nhiều chương trình ưu đãi dành riêng cho khách hàng của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food trên cả nước. “Tuy nhiên, những nỗ lực của doanh nghiệp chỉ mang lại hiệu quả khi Nhà nước và cơ quan chức năng có giải pháp mạnh mẽ hơn để có thể thúc đẩy TTKDTM. Trong đó, cần có giải pháp quy hoạch tổng thể hệ thống chấp nhận POS, hệ thống chấp nhận thanh toán cũng như quy hoạch lại các đơn vị cung ứng dịch vụ TTKDTM” - Giám đốc Marketing Saigon Co.op Ðỗ Quốc Huy cho biết.
Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Phạm Tiến Dũng, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán đang tiếp tục được rà soát, bổ sung và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển TTKDTM như: ra Quyết định số 711/QÐ-NHNN ngày 15-4-2020 ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp số Việt Nam…
Bên cạnh đó, NHNN đã có những chỉ đạo kịp thời theo thẩm quyền về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19 như NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư số 04/2020/TT-NHNN ngày 31-3-2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2013/TT-NHNN điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán liên ngân hàng qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, áp dụng từ ngày 1-4 đến 31-12-2020. Ðồng thời, NHNN có công văn yêu cầu các ngân hàng phải điều chỉnh giảm phí chuyển tiền qua Hệ thống cho khách hàng. NHNN cũng đã có hai lần liên tiếp chỉ đạo Napas, các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán. Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau hai đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng.
Thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra tác động kép vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ ngân hàng - tài chính. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian tới, NHNN tiếp tục xây dựng, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các mô hình thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ công.
Ðã có khoảng 50 ngân hàng hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với cơ quan thuế, hải quan trên 63 tỉnh/thành phố, 95% số thu hải quan được thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của EVN thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%; 30 bệnh viện đã kết nối triển khai thanh toán viện phí điện tử, một số bệnh viện đã đạt 35% số lượng giao dịch thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
BÀI VÀ ẢNH: HỒNG ANH - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)