12 ngân hàng tham gia kết nối
Để đưa cơ chế, chính sách hỗ trợ DN vào thực tiễn có hiệu quả, NHNN Chi nhánh TP đã tổ chức nhiều hoạt động phối hợp với các sở - ngành, UBND 24 quận - huyện và Hiệp hội DN TP thiết lập cơ chế cập nhật và cung cấp thông tin về tình hình hoạt động của DN, những khó khăn, vướng mắc liên quan hoạt động tín dụng NH, về nhu cầu vốn… Từ danh sách tổng hợp được gửi về, NHNN Chi nhánh TP chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét, giải quyết nhu cầu cho DN, đồng thời báo cáo cho các cơ quan liên quan để phối hợp cùng tháo gỡ khó khăn.
Các ngân hàng đang có nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng sau dịch Covid-19. Ảnh: TẤN THẠNH
Về chương trình kết nối NH với DN trên địa bàn TP năm 2020, 12 NH đăng ký tham gia gói tín dụng theo chương trình kết nối là 274.450 tỉ đồng. Đến cuối tháng 5-2020, đã giải ngân gói tín dụng đạt 127.391 tỉ đồng cho 5.906 khách hàng. Tính chung trong nửa đầu năm nay, chương trình kết nối NH và DN đã thực hiện được 129.519 tỉ đồng cho 6.393 khách hàng. Từ nay đến cuối năm, lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP cho biết sẽ tiếp tục triển khai chương trình kết nối tại các quận - huyện; đồng thời theo dõi, giải ngân gói tín dụng theo kế hoạch cả năm.
Còn theo số liệu của tổ công tác hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19 (gồm NHNN Chi nhánh TP HCM, Sở Công Thương TP HCM, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM), tính đến ngày 29-6, NHNN Chi nhánh TP HCM đã kết nối cho 46 khách hàng ở Củ Chi vay vốn tại một số NH thương mại với tổng số tiền ký kết là 203,77 tỉ đồng. NHNN Chi nhánh TP HCM cũng đã phối hợp UBND huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, quận Tân Bình và các NH thương mại tổ chức lễ ký kết cho 441 khách hàng với số tiền 1.924,32 tỉ đồng. Các NH thương mại cũng đã giải ngân gói tín dụng cho 5.906 khách hàng, số tiền 127.391 tỉ đồng.
Hỗ trợ cụ thể hơn
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Da giày TP HCM, cho biết hơn 90% DN ngành da giày TP không tiếp cận được chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ vì thủ tục còn phức tạp. Đa số DN da giày sống nhờ thị trường xuất khẩu, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu ngưng trệ vì Covid-19 nên DN chỉ cố gắng xoay xở để tồn tại, không có nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh hay đầu tư mở rộng. Ông Khánh chỉ hy vọng thời gian tới, khi EVFTA có hiệu lực và Covid-19 được khống chế trên phạm vi toàn cầu, thị trường châu Âu mở cửa mua hàng trở lại, DN mới có nhu cầu vay vốn và được NH đáp ứng dễ dàng.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT NH Đầu tư và Phát triển (BIDV), cho biết việc kết nối NH với DN là hoạt động thường xuyên của BIDV. Cán bộ của NH liên tục đến DN tìm hiểu khó khăn để tháo gỡ, giúp họ tiếp cận vốn. Từ đầu năm đến nay, BIDV đã 3 lần giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 2,5 - 3 điểm phần trăm/năm so thời điểm trước dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo ông Tú, vấn đề kết nối NH - DN lúc này không phải là lãi suất cao hay thấp, mà chủ yếu là do nhiều DN gần như không có nhu cầu vay tiền. Nguyên nhân chính do dịch Covid-19 diễn biến khó lường làm cho hoạt động xuất nhập khẩu gặp khó khăn. DN xuất khẩu không bán được hàng hóa ra nước ngoài, còn DN nhập khẩu thì không nhập được nguyên liệu sản xuất. Một số DN khác không có tài sản thế chấp nên không tiếp cận vốn, trong khi NH dứt khoát không hạ chuẩn cho vay dù đang thừa vốn.
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), cho hay nhiều DN là khách hàng mới, có nhu cầu vay vốn nhưng lại không có uy tín, tài sản bảo đảm để NH cho vay. Đối với nhóm DN này, các Sở Công Thương, chính quyền các tỉnh, thành phố cũng không có cơ sở để đứng ra bảo lãnh vốn vay. Vì thế, nhà nước cần có cơ chế đặc biệt tháo gỡ để giúp DN phát triển. "Riêng những DN giàu tiềm năng nhưng vẫn thiếu tài sản thế chấp, NH sẵn sàng kết nối để tài trợ vốn bởi với nguồn vốn này DN sẽ hình thành tài sản trong tương lai" - ông Ấn nói.
Nhu cầu hỗ trợ tăng mạnh
Tính đến thời điểm này, NHNN Chi nhánh TP HCM đã tiếp nhận 704 trường hợp DN gặp khó khăn, thiệt hại do Covid-19 gửi về từ các sở, ngành và đang xử lý 165 trường hợp. 539 trường hợp đã có kết quả xử lý, trong đó 65 trường hợp DN được hỗ trợ giảm lãi từ 0,2 - 2 điểm phần trăm/năm so với lãi suất đang áp dụng trước đó; 14 DN được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; 32 trường hợp được cho vay mới; 3 trường hợp được tăng hạn mức tín dụng; 2 trường hợp giảm phí dịch vụ; 84 DN đang xem xét hồ sơ. Trong số này, 49 trường hợp không đủ điều kiện vay vốn hoặc không thuộc khách hàng mục tiêu của NH; 4 trường hợp không đủ điều kiện cơ cấu nợ hoặc giảm lãi; 10 trường hợp không có dư nợ tại NH.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, từ giữa cuối tháng 5-2020 đến nay, số lượng DN, tổ chức, cá nhân cần hỗ trợ do các quận, huyện gửi đến tăng mạnh (hiện hơn 700 trường hợp), đã tạo áp lực rất lớn cho NHNN TP cũng như các tổ chức tín dụng trong việc tiếp nhận và giải quyết. NHNN TP đang chỉ đạo các NH thương mại trên địa bàn tiếp nhận thông tin DN, tổ chức, cá nhân từ các quận, huyện gửi đến để xem xét, đánh giá, thẩm định khách hàng và hỗ trợ theo quy định. NHNN TP cũng đã làm việc với một số DN đang gặp khó khăn để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như những vướng mắc mà DN đang gặp dẫn đến chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của nhà nước, từ đó làm căn cứ để tìm cách hỗ trợ DN hiệu quả hơn.
P.An
Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 258.000 khách hàng
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết tính đến ngày 22-6, các tổ chức tín dụng gồm cả công ty tài chính, NH nước ngoài đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 258.000 khách hàng với dư nợ gần 177.000 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 421.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,26 triệu tỉ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23-1 đến nay đạt 1,13 triệu tỉ đồng với lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5% - 2,5 điểm % so với trước dịch. Riêng NH Chính sách xã hội đã gia hạn nợ cho gần 154.000 khách hàng với dư nợ hơn 3.875 tỉ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75.000 khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỉ đồng, cho vay mới đối với hơn 1 triệu khách hàng với dư nợ gần 39.000 tỉ đồng.
Chia sẻ tại hội nghị kết nối NH và DN ở một số địa phương như Khánh Hòa, Đắk Lắk mới đây, lãnh đạo nhiều DN cho biết đã được các NH thương mại hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính. Tuy nhiên, tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN là rất nặng nề nên cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, Chính phủ và quan trọng là bản thân DN cũng phải chuyển đổi phương hướng kinh doanh để tự cứu mình trước.
T.Phương
Thanh Nhân - Thái Phương - Thy Thơ - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)