Cán bộ bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh tuyên truyền chính sách về BHYT, BHXH cho người dân.
Ðiểm sáng trong phát triển đối tượng
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2020, Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh cho biết, BHXH Việt Nam đã bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Ðảng, Chính phủ về lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), nhất là đã kịp thời thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó đại dịch Covid-19. Ðồng thời, BHXH Việt Nam chủ động xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cho BHXH các tỉnh, thành phố; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2020.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, đến ngày 30-6, số người tham gia BHXH đạt khoảng 15,144 triệu người: trong đó, số tham gia BHXH bắt buộc là 14,473 triệu người. Ðáng chú ý, vượt qua giai đoạn khó khăn do thực hiện cách ly xã hội, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn tăng 96,8 nghìn người so với năm 2019, đạt 670,8 nghìn người; BH thất nghiệp là 12,716 triệu người; số người tham gia BHYT là 85,521 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,3% dân số. Tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ước đạt 45,3% kế hoạch cả năm (tăng 6,8% cùng kỳ năm 2019). Tổng số tiền nợ BHXH phải tính lãi (từ một tháng trở lên) khoảng 21.231 tỷ đồng.
Có thể thấy, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BH thất nghiệp đều sụt giảm so với cuối năm 2019 bởi tác động của dịch bệnh, tuy nhiên số người tham gia BHXH tự nguyện tăng đều, nhất là tăng mạnh trong hai đợt lễ ra quân vận động tuyên truyền người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, do BHXH Việt Nam phối hợp ngành bưu điện tổ chức trên toàn quốc vừa qua là điểm sáng trong công tác phát triển đối tượng của ngành...
Lý giải số người tham gia giảm; số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tăng là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn phải thu hẹp hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, người lao động không có việc làm phải nghỉ việc, cho nên không thể tiếp tục tham gia BHXH, BHYT...
Vượt khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ
Trong bối cảnh các đơn vị, doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đã tích cực chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan hỗ trợ các đơn vị trong việc khắc phục thiệt hại do dịch bệnh gây ra; kịp thời thẩm định hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo báo cáo của BHXH các địa phương, đến hết ngày 30-6, số đơn vị đã nộp hồ sơ được phê duyệt tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 1.519 đơn vị, tương ứng với 130.794 người lao động và số tiền khoảng 475 tỷ đồng.
Ðồng thời, trong sáu tháng đầu năm, BHXH Việt Nam tích cực chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp Sở Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời KCB hoặc chuyển tuyến KCB BHYT khi nghi ngờ nhiễm Covid-19; bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ BHYT khi cơ sở KCB bị cách ly y tế hoặc thay đổi nhiệm vụ điều trị Covid-19. Ðồng thời thực hiện ngay việc tạm ứng kinh phí cho các cơ sở để bảo đảm hoạt động KCB BHYT, nhất là các tỉnh có người phát hiện nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19; thực hiện thanh toán chi KCB BHYT liên quan dịch Covid-19 và sử dụng kinh phí từ quỹ KCB BHYT hỗ trợ chống dịch Covid-19.
Hiện nay, dù dịch Covid-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát, nhưng tình hình dịch trên thế giới vẫn còn nhiều phức tạp, tác động rất lớn đến đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là người dân, doanh nghiệp tiếp tục gặp các khó khăn. Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Ðào Việt Ánh, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, BHXH Việt Nam đã xây dựng và triển khai các phương án, kịch bản điều hành (từng tháng, quý, cả năm) nhằm tăng tốc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Trong đó, sẽ tăng cường phối hợp các hệ thống đại lý thu tổ chức các hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp; đẩy mạnh, đổi mới công tác truyền thông trong tình hình mới, tập trung truyền thông hướng đến các nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình,...
Ðẩy mạnh phối hợp thanh tra liên ngành, tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Phối hợp ngành bưu điện quản lý chặt chẽ đối tượng thụ hưởng, đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công ích; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ; tăng cường, chủ động kiểm soát chi phí KCB BHYT, bảo đảm thực hiện đúng dự toán được giao năm 2020;...
Ðồng thời, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tích hợp kết nối liên thông để cung cấp các dịnh vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành trên cổng Dịch vụ công quốc gia; tiếp tục rà soát, hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT, cấp mã số BHXH cho người tham gia...
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong tình hình dịch bệnh, quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT vẫn được bảo đảm, tăng cường. Toàn ngành đã giải quyết: 60.523 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng (tăng 7,4% so cùng kỳ năm 2019); 454.209 người hưởng trợ cấp một lần (tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2019); 4.589.884 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; thanh toán chi phí KCB BHYT cho hơn 77,6 triệu lượt người. Phối hợp ngành lao động - thương binh và xã hội giải quyết cho 474.622 người hưởng chế độ BH thất nghiệp (tăng 11,5% so cùng kỳ năm 2019), trong đó: 468.152 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 6.470 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề...
Bài và ảnh: Anh Thu - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)