Người dân đang quen dần với việc thanh toán chi tiêu qua thẻ ngân hàng.
Người dân bước đầu tiếp cận thẻ ngân hàng
Huyện Thọ Xuân được biết đến là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa sôi động của tỉnh Thanh Hóa và cũng là địa bàn có sự hiện diện của khá nhiều tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy nhiên, Agribank chi nhánh Thọ Xuân vẫn giành được sự tin tưởng của khách hàng khi công tác huy động vốn luôn giữ nhịp tăng trưởng tốt. Ngay từ đầu năm, chi nhánh đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó chú trọng làm tốt hơn nữa chính sách chăm sóc khách hàng, thay đổi phong cách giao dịch để mở rộng công tác huy động vốn, tập trung huy động nguồn tiền nhàn rỗi ngay từ đầu năm để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao. Đến ngày 30-6, tổng nguồn vốn của chi nhánh đã đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 15,4% so với đầu năm, đạt 97% kế hoạch năm 2020. Tổng dư nợ đạt gần 1.100 tỷ đồng, tăng 4,1% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 0,01%.
Từng bước thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt, Agribank chi nhánh huyện Thọ Xuân cũng như nhiều chi nhánh khác trên địa bàn Thanh Hóa cũng đang đẩy mạnh triển khai Đề án thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn. Chương trình này đã giúp người nông dân giải quyết những nhu cầu thiết yếu trong thanh toán tiền điện, nước, học phí,… mà không phải đến trả tiền trực tiếp tại các điểm thu như trước đây. Theo Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Thọ Xuân Phạm Ngọc Lai, với cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, nông thôn, đề án này rất có ý nghĩa. Đến thời điểm này, chi nhánh đã phát hành 874 thẻ, cấp hạn mức thấu chi cho 795 thẻ (đạt 80% kế hoạch giao). Tổng hạn mức thấu chi được cấp là 4,7 tỷ đồng với dư nợ 446 triệu đồng.
Tương tự, chi nhánh Agribank huyện Ngọc Lặc cũng đã tổ chức phổ biến, quán triệt cho cán bộ về chủ trương, mục tiêu của đề án, giao chỉ tiêu cụ thể đến từng cán bộ. Chủ động làm việc với HĐND, UBND, các cấp hội tại địa phương, tổ chức tuyên truyền qua đài truyền thanh huyện, xã, các cấp hội và tại buổi giải ngân, thu nợ, giao ban tổ vay vốn, qua bảng tin của Agribank đặt tại các xã để khách hàng được biết và tham gia. Mở rộng đối tượng khách hàng tham gia vay vốn theo hạn mức tín dụng quy mô nhỏ, vay qua tổ vay vốn, vay tiêu dùng, vay từng lần... Đến ngày 30-6, chi nhánh đã phát hành 493 thẻ nông nghiệp, cấp hạn mức thấu chi cho 465 thẻ (đạt 62% kế hoạch giao). Tổng hạn mức thấu chi được cấp là 4,3 tỷ đồng với dư nợ 957 triệu đồng.
Góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”
Hiện nay, mạng lưới Agribank trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 68 chi nhánh và phòng giao dịch, 80 máy ATM, gần 400 máy POS, hai điểm giao dịch lưu động bằng xe ô-tô chuyên dùng và gần 500 tổ cho vay lưu động tại hầu hết các xã trong tỉnh. Ba chi nhánh loại I của Agribank tại Thanh Hóa có tổng nguồn vốn gần 36 nghìn tỷ đồng (chiếm 33% thị phần); tổng dư nợ cho vay gần 41 nghìn tỷ đồng (chiếm 34% thị phần), trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn 35,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 86% tổng dư nợ. Đến nay có tới gần 70% số hộ gia đình và gần 30% số doanh nghiệp đang có quan hệ tiền gửi, tiền vay và dịch vụ với các chi nhánh Agribank trên địa bàn. Vốn tín dụng đầu tư cho tam nông đã góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Nhận thức rõ vai trò và ý nghĩa của việc phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Thanh Hóa Nguyễn Thuần Phong cho biết, qua chín tháng triển khai, đề án phát triển thẻ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, đến ngày 30-6 đã phát hành 5.048 thẻ, đạt 74,2% kế hoạch; đã cấp hạn mức thấu chi cho 4.032 thẻ với tổng hạn mức thấu chi là 47 tỷ đồng, dư nợ thấu chi là 17 tỷ đồng. Phục vụ triển khai thí điểm đề án trên địa bàn 12 huyện với 29 máy ATM và 89 máy POS; bình quân mỗi huyện có hai máy ATM và bảy máy POS. Việc cấp một khoản vốn lên đến 30 triệu đồng giúp người dân đáp ứng vốn cần thiết cho các nhu cầu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh hằng ngày, từ đó xây dựng hệ sinh thái khép kín qua ngân hàng giữa khách hàng sử dụng thẻ và các nhà cung ứng sản phẩm dịch vụ, góp phần lành mạnh hóa thị trường tín dụng vi mô, hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.
Đánh giá cao chủ trương phát hành thẻ thấu chi trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Lặc Bùi Đăng Lượng khẳng định, việc phát hành thẻ thấu chi đã giúp bà con tiếp cận được vốn rất nhanh, đặc biệt, giúp chủ động ngăn ngừa đối tượng cho vay lãi cao không có cơ hội tiếp cận bà con nông dân. Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Chỉ đạo vay vốn ngân hàng xã Xuân Trường (huyện Thọ Xuân) Bùi Văn Hùng cũng nhìn nhận, việc có được khoản tiền cấp sẵn qua thẻ thấu chi giúp người dân có thể sử dụng khi có nhu cầu đột xuất, không phải đi vay lãi ngày, giảm bớt được tình trạng tín dụng đen tại địa phương. Đây là một trong những sản phẩm phát triển tốt, góp phần ổn định được tình hình an ninh chính trị trật tự tại địa phương. “Chúng tôi sẽ phối hợp tích cực tuyên truyền để người dân trên địa bàn thấy được sự thuận lợi khi sử dụng thẻ thấu chi. Khi những tệ nạn xã hội như tín dụng đen được giảm bớt, chắc chắn sẽ góp phần phát triển kinh tế địa phương”, ông Bùi Văn Hùng chia sẻ thêm, đồng thời bày tỏ mong muốn Agribank nghiên cứu để mở rộng mô hình này.
Bài và ảnh: HỒNG ANH - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)