Từ tháng 9, lãi suất ưu đãi cho vay cá nhân tại ABBank điều chỉnh giảm lần thứ tư với mức thấp nhất chỉ 5,9%/năm.
Giảm lãi suất huy động còn từ 2,55%/năm
Trên biểu lãi suất huy động của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) áp dụng từ ngày 15-9, lãi suất huy động ở các kỳ hạn tiếp tục được điều chỉnh giảm mạnh. Cụ thể, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi kỳ hạn 1 tháng dành cho khách hàng dưới 50 tuổi chỉ còn 2,55%/năm; kỳ hạn 2 tháng là 2,65%/năm; kỳ hạn 3 đến 5 tháng còn 2,75%/năm… Các kỳ hạn này tiếp tục giảm tới 0,2 % so với biểu lãi suất áp dụng hồi đầu tháng 9. Một số ngân hàng khác trước đó cũng giảm lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn dưới 6 tháng. Ðơn cử, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng trả lãi cuối kỳ của Ngân hàng Á châu (ACB) chỉ còn 3,8%/năm; Ngân hàng Sài Gòn (SCB) là 3,94%/năm; Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) cũng giảm lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn dài, trong đó, lãi suất các kỳ hạn từ 30 đến 36 tháng giảm khoảng 0,4% so với trước đó, xuống còn 6,8%/năm.
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động hiện phổ biến ở mức 0,1 đến 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 2,85 đến 4,25%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4 đến 6,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,0 đến 7,3%/năm.
Xu hướng giảm lãi suất liên tục được các ngân hàng thương mại áp dụng gần đây trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế chưa cao. Số liệu NHNN công bố cũng cho thấy, tổng phương tiện thanh toán đến cuối tháng 7 ước đạt hơn 11,163 triệu tỷ đồng, tăng 5,58% so với cuối năm 2019 (số liệu này chưa loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng khác trong nước mua). Trong đó, lượng tiền gửi của dân cư đến cuối tháng 7 cũng đạt hơn 5,08 triệu tỷ đồng, tăng 5,2% so cuối năm 2019. Tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng cũng tăng 4,44%, đạt 4,138 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, chỉ đạt 4,05% tính tới cuối tháng 7.
“Tung” vốn rẻ nhằm “hút” doanh nghiệp
Lãi suất huy động giảm là một trong những điều kiện giúp các ngân hàng thương mại có thêm dư địa để giảm lãi suất cho vay. Ðầu tháng 9, các ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm lãi suất phổ biến khoảng 0,23%/năm đối với những khoản vay ngắn hạn. Một số ngân hàng liên doanh và nước ngoài giảm lãi suất cho vay từ 0,58% đến 0,74%/năm đối với những khoản vay sản xuất, kinh doanh thông thường. Mức lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh từ 8% đến 8,81%/năm kỳ hạn ngắn và 9,87% đến 10,34%/năm ở kỳ hạn trung, dài hạn. Riêng đối với năm lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay tối đa 5%/năm; còn những khoản vay đầu tư, kinh doanh bất động sản được áp dụng ở mức cao 12%/năm.
Bên cạnh việc giảm lãi suất, để hỗ trợ người dân và kích cầu tiêu dùng trong nước, các tổ chức tín dụng, công ty tài chính cũng được chỉ đạo tiếp tục triển khai mạnh mẽ các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp cũng như cho vay tiêu dùng với lãi suất hấp dẫn. Cụ thể, thực hiện chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ và NHNN, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay mua nhà đất từ 7,5%/năm xuống còn 6,5%/năm; vay mua ô-tô, tiêu dùng còn 6,8%/năm. Hay như tại Ngân hàng An Bình (ABBank), từ tháng 9, lãi suất ưu đãi cho vay cá nhân được điều chỉnh giảm với mức thấp nhất chỉ từ 5,9%/năm. Theo đó, khách hàng sẽ được vay lãi suất từ 5,9%/năm cho sáu tháng đầu, 6,9%/năm cho sáu tháng tiếp theo hoặc chọn gói ưu đãi có lãi suất ổn định 6,9%/năm trong 12 tháng đầu, kèm ưu đãi về phí trả nợ trước hạn. Cùng mục tiêu vay mua nhà, mua ô-tô, xây sửa nhà cửa, vay tiêu dùng và bổ sung vốn kinh doanh,… mức ưu đãi và phí phạt trước hạn này của ngân hàng đang thuộc nhóm hấp dẫn nhất so với thị trường hiện nay. Ðại diện ABBank cho biết, dưới áp lực khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh kéo dài, đây là lần thứ tư ABBank có quyết định điều chỉnh giảm lãi suất cho vay cá nhân kể từ đầu năm. Hành động này thể hiện cam kết của ngân hàng trong việc đồng hành và chia sẻ khó khăn với các khách hàng có nhu cầu vốn để giải quyết các vấn đề tài chính cấp bách.
Từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng dự kiến sẽ tăng cao, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng sẽ dần phục hồi nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh; kéo theo nhu cầu vốn sẽ tăng. Song dù lãi suất có giảm, NHNN có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng tín dụng có tăng trưởng đạt mức kỳ vọng hay không vẫn phụ thuộc rất lớn vào sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Hiện thanh khoản các ngân hàng đang tương đối dư thừa, nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu không đáp ứng đủ điều kiện thì doanh nghiệp cũng không thể vay được vốn. Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Nguyễn Ðức Vinh cho biết, đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn nằm trong diện cho vay của ngân hàng, nhưng đến giữa năm diễn biến dịch Covid-19 phức tạp khiến sức khỏe của doanh nghiệp bị bào mòn đáng kể, dẫn tới chính những đơn vị đó lại không đủ điều kiện để ngân hàng cấp tín dụng.
Ðại diện lãnh đạo NHNN nhấn mạnh, dù nguồn vốn đang thừa, tín dụng khó tăng, nhưng không phải vì thế mà ngân hàng hạ chuẩn cho vay. Ngược lại, ngân hàng phải kiểm soát chặt hơn chất lượng tín dụng để kiểm soát rủi ro nợ xấu tăng trong dịch bệnh. Do vậy, một số chuyên gia kinh tế đưa ra quan điểm, việc hỗ trợ lãi suất mạnh hơn cho doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh là cần thiết. Tuy nhiên, để làm được điều này, không chỉ cần sự tham gia tự nguyện của các ngân hàng thương mại như thời gian qua, mà cần có chính sách tạo dòng tiền cho doanh nghiệp thời điểm này thông qua gói hỗ trợ từ Chính phủ. Nếu không, sẽ có nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và giải thể, phá sản trước khi cải thiện được dòng tiền.
Bài và ảnh: HỒNG ANH - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)