Ảnh minh họa: Internet.
Sinh viên, học viên học nghề ít tham gia bảo hiểm y tế
Bà Đinh Mai Hạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho hay, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) của sinh viên tại khối đại học, cao đẳng, dạy nghề còn thấp, đặc biệt là ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỷ lệ rất thấp. Năm học 2019-2020, tỷ lệ học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia BHYT của khối này là dưới 50%.
Nguyên nhân chủ yếu là do các em sinh viên từ năm thứ hai trở đi thường hay chủ quan với sức khỏe của mình. Một số sinh viên cũng gặp khó khăn về kinh tế, và một số nhà trường chưa thực sự tích cực trong việc vận động, đôn đốc các em mua BHYT. Đặc biệt, đối với các cơ sở dạy nghề, thời gian học ngắn nên chưa quan tâm đến việc tham gia BHYT của các em.
Cả nước hiện có khoảng 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Năm 2020, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đặt mục tiêu tuyển hơn 2,2 triệu chỉ tiêu. Trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng và trung cấp là hơn 580 nghìn, tuyển sinh trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là hơn 1,6 triệu người. Những tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều gặp khó khăn.
Do vậy, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và xã hội tập trung chỉ đạo một số nội dung.
Trước hết, chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH tăng cường công tác thông tin, truyền thông về ý thức trách nhiệm và lợi ích khi tham gia BHYT, tích cực vận động HSSV, đặc biệt là sinh viên đang học tại các trường cao đẳng, sinh viên từ năm thứ 2 trở đi tham gia BHYT đầy đủ theo quy định.
Tiếp đó, đưa tiêu chí về mức độ hoàn thành tỷ lệ tham gia BHYT của HSSV hằng năm vào nguyên tắc, tiêu chuẩn khen thưởng, công nhận danh hiệu thi đua đối với tập thể, cá nhân tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp kêu gọi, huy động các nguồn tài trợ hợp pháp để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HSSV nhằm giảm bớt gánh nặng kinh phí cho các gia đình và HSSV.
Cùng với đó, tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng hoạt động y tế trường học bền vững gắn với y tế cơ sở để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV ngay tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đúng quy định.
Cuối cùng, phối hợp cơ quan BHXH hướng dẫn, kiểm tra và khen thưởng kịp thời đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc tổ chức, thực hiện tốt công tác BHYT HSSV.
Quyền lợi khám, chữa bệnh của học sinh, sinh viên trong dịch Covid-19
Về quyền lợi khám, chữa bệnh (KCB) của học sinh, sinh viên trong dịch Covid-19, bà Đinh Mai Hạnh cho hay, ngày 29-1-2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định 219/QĐ-BYT bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCov) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Theo quy định tại Điều 48 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, những người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí.
Quỹ BHYT thanh toán chi phí cho những người có thẻ BHYT đi khám khi có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở và xét nghiệm chẩn đoán bệnh trong trường hợp âm tính với virus SARS-Cov-2. Nếu có kết quả dương tính và cần điều trị tiếp, toàn bộ chi phí điều trị và xét nghiệm do ngân sách nhà nước chi trả.
Đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, đang trong thời gian cách ly mà mắc phải các bệnh khác phải khám, điều trị hoặc đang điều trị bệnh khác mà bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, trường hợp người có thẻ BHYT được quỹ BHYT thanh toán chi phí điều trị các bệnh khác trong phạm vi quyền lợi như đối với trường hợp cấp cứu, trừ chi phí đã được miễn.
Nếu điều trị tại nơi không có hợp đồng KCB BHYT, người bệnh được quỹ BHYT thanh toán trực tiếp trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT như đối với trường hợp cấp cứu, trừ chi phí KCB đã được miễn.
LÊ NGÂN - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)