Cụ thể, SHB đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay mua nhà đất từ 7,5%/năm xuống còn 6,5%/năm; vay mua ô tô, tiêu dùng còn 6,8%/năm. Không chỉ giảm lãi suất mà mới đây, HDBank vừa nâng thời hạn vay mua và sửa nhà lên đến 35 năm, ân hạn gốc đến 12 tháng. Nhu cầu sở hữu nhà đất vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu của người Việt, bất chấp dịch Covid-19. Vì vậy, việc kéo dài thời hạn vay mua, sửa chữa nhà lên đến 35 năm, phân kỳ trả nợ linh hoạt sẽ phù hợp với khả năng thu nhập và kế hoạch tài chính của khách hàng. Đó cũng là cơ hội cho những người có thu nhập tầm trung, tích lũy chưa nhiều, hiện thực hóa giấc mơ an cư.
SaiGonBank cho biết, vừa cấp tín dụng 250 tỷ đồng để Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông phát triển dự án BĐS vừa túi tiền, phục vụ nhu cầu ở với mức trên dưới 2 tỷ đồng/căn; đồng thời cho khách hàng vay mua nhà với lãi suất ưu đãi trong dự án này.
Ghi nhận trên thị trường cũng cho thấy, các NHTM trong nước cũng điều chỉnh giảm lãi suất cố định năm đầu tiên cho khách hàng vay tiền mua nhà so với thời điểm đầu năm 1%-2%/năm. Các NHTM như: Maritime Bank, BIDV, PVCombank, Vietcombank, Techcombank... có mức lãi suất phổ biến dao động từ 7,7%-10%/năm trong vòng 1-3 năm đầu tiên, tùy ngân hàng. Riêng các ngân hàng nước ngoài có mức lãi suất cho vay nhà tốt hơn, khoảng 6,49%-8,8%/năm áp dụng cố định cho khoản vay từ 1-3 năm.
Với mức lãi suất trên, các chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, đây là mức lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân, do nhiều ngân hàng đang dư vốn, trong khi tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Việc đẩy mạnh tín dụng trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh không dễ dàng nên các NHTM bẻ hướng, chuyển sang cho vay tiêu dùng để kích cầu những tháng cuối năm, trong đó có cho vay mua nhà để ở.
“Chớp” thời cơ mua nhà
Chi Minh Huyền (quận 9) cho biết, vợ chồng vừa quyết định mua căn hộ 3,1 tỷ đồng tại quận 9 vì lãi suất cho vay thời điểm này khá tốt. Gia đình chị Huyền vay 1,8 tỷ đồng với thời hạn vay 12 năm tại một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam với lãi suất 2 năm đầu tiên ở mức 7,69%/năm; những năm sau đó sẽ áp dụng lãi suất thả nổi, nhưng ngân hàng cam kết lãi suất không quá 10%/năm.
“Ngoài lãi suất khá tốt, ngân hàng này còn có chính sách sau 3 năm kể từ ngày vay vốn, nếu trả tiền vay trước hạn sẽ không bị trả phí trả trước hạn, nên vợ chồng tôi mạnh dạn vay 70% giá trị căn nhà. Nếu vài năm sau kinh doanh tốt, có tiền trả trước mà không phải mất phí” - chị Huyền cho hay.
Tương tự, vợ chồng anh Hưng Nguyên (quận Thủ Đức) cho hay, vợ chồng tích lũy được vài trăm triệu đồng, định gửi tiết kiệm thêm vài năm nữa mới mua nhà nhưng lãi suất tiền gửi đã xuống thấp (chỉ ở mức 6%/năm kỳ hạn 12 tháng), nên đã tranh thủ thời điểm này để vay mua nhà.
“Cả tiền dành dụm của 2 vợ chồng và nhờ hai bên nội ngoại hỗ trợ được 800 triệu đồng, hai vợ chồng quyết định vay thêm 800 triệu đồng trong 20 năm, để mua căn chung cư tại tỉnh Bình Dương giáp TPHCM với giá khoảng 1,6 tỷ đồng. Lãi suất vay năm đầu tiên 7%, những năm sau khoảng trên dưới 10%/năm. Vợ chồng tôi trả cả lãi và gốc vào khoảng 8-9 triệu đồng/tháng, trong khi đó, nếu vay mua nhà vào cuối năm 2019 thì mỗi tháng chúng tôi phải trả khoảng 10-11 triệu đồng/tháng” - anh Nguyên cho hay.
Lãnh đạo một NHTM có tỷ trọng cho vay BĐS khá cao cho biết, cho vay mua nhà là một trong những sản phẩm rất quan trọng của một ngân hàng phát triển bán lẻ. Việc cho vay mua nhà hiện nay cũng là cách để ngân hàng tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người, nên ngân hàng khuyến nghị và xem xét cho khách hàng vay tối đa 50%-60% giá trị nhà. Đây là mức vay lý tưởng và ít áp lực nhất để trả lãi vay.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhận định, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng nền kinh tế thấp, việc ngân hàng đẩy tín dụng vào lĩnh vực BĐS một cách lành mạnh, trong tầm kiểm soát là tín hiệu tích cực.
Các ngân hàng tích cực huy động vốn trung và dài hạn, đồng thời tích cực huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu (ngân hàng là ngành có tỷ trọng phát hành trái phiếu cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2020 - PV), chứng chỉ tiền gửi dài hạn, giúp ngân hàng có đủ nguồn vốn cung ứng cho lĩnh vực BĐS.
Cùng với đó, việc NHNN vừa lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được cho vay trung dài hạn thêm một năm, duy trì tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 40% đến hết ngày 30-9-2021 thay vì 30-9-2020, làm khả năng cung ứng vốn của các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực BĐS tốt hơn.
Theo báo cáo của NHNN, dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS tăng cao hơn mức tăng trưởng dư nợ tín dụng chung, nhưng tập trung chủ yếu vào dư nợ phục vụ mục đích tự sử dụng (phục vụ nhu cầu về nhà ở). Trong khi đó, tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với mục đích kinh doanh BĐS trong tổng dư nợ lĩnh vực này ngày càng giảm. Tính đến cuối tháng 7-2020, tín dụng đối với lĩnh vực BĐS tăng 4,84% so với cuối năm 2019 (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung là 3,45%), chiếm 19,7% tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, BĐS phục vụ mục đích kinh doanh tăng 7,55%, chiếm 34,61% tổng dư nợ tín dụng BĐS; trong khi BĐS phục vụ mục đích tự sử dụng chỉ tăng 3,46%, chiếm 65,39% tổng dư nợ tín dụng BĐS.
|
NHUNG NGUYỄN - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)