Bà Trương Thị Điệp (thứ 4 từ trái sang) chuẩn bị kiệu giống cho vụ mùa mới
Chị Phạm Thị Loan - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Đức cho biết, nếu không có các chương trình hỗ trợ cho vay từ NHCSXH thì tỷ lệ hộ nghèo ở xã Phú Đức còn rất nhiều. Từ khi được hỗ trợ vay vốn, các hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế, từ đó số hộ nghèo trên địa bàn xã giảm đi đáng kể, cụ thể năm 2019, xã có hơn 300 hộ nghèo, năm 2020 còn 147 hộ. Trong số đó có một số hộ làm ăn rất hiệu quả.
Gia đình bà Trương Thị Điệp (SN 1965), ấp K9, xã Phú Đức, thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống rất khó khăn, chủ yếu làm thuê kiếm sống. Năm 2017, bà được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã bình xét cho vay 20 triệu đồng thuê 1.000m2 đất trồng kiệu, đến năm 2020, gia đình mở rộng diện tích thuê đất thêm 2.000m2 trồng kiệu và vay thêm số tiền 30 triệu đồng. Từ nguồn vốn này đã giúp gia đình bà có điều kiện phát triển kinh tế. Bà Điệp chia sẻ: “Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ, tôi mới dám thuê đất trồng kiệu, nếu không chắc tôi không dám làm ăn lớn, bởi tiền vay bên ngoài lãi rất cao, có khi lo trả lãi không nổi chứ nói chi đến vốn. Từ nguồn vốn 50 triệu đồng, tôi thuê 3 công đất trồng kiệu, nếu trúng chỉ vài năm tôi sẽ trả được số tiền vay ngân hàng”.
Chị Phan Thị Thu Hương ở ấp K9, xã Phú Đức được Hội phụ nữ xã bình xét cho vay số vốn 40 triệu đồng (tháng 8/2020) để trồng 4.000m2 chanh và buôn bán nhỏ. Chị Hương cho biết: “Hằng ngày, việc buôn bán của tôi cũng cho thu nhập khoảng 150 ngàn đồng. Nếu 4-5 tháng nữa chanh cho trái và có thu nhập khá thì chỉ 1 hay 2 vụ là tôi có thể tích góp trả nợ ngân hàng”.
Theo chị Phạm Thị Loan - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Đức, đa phần những hộ được tổ, hội xét cho vay là những hộ nghèo chí thú làm ăn, có ý chí vươn lên thoát nghèo nên Hội rất yên tâm khi giao nguồn vốn hỗ trợ. Ngoài cho vay, Hội cũng định hướng cho người dân làm ăn và có sự giám sát kiểm tra lại xem họ có sử dụng đúng mục đích vay hay không. Đặc biệt, để người dân đỡ ngán tiền trả nợ, Hội cũng đã vận động gửi tiết kiệm hàng tháng, ít nhất 200 ngàn đồng/tháng, hộ nào có vốn thì gửi thêm. Cách làm này vừa nâng cao ý thức tiết kiệm, vừa giúp người dân giảm bớt số tiền vay.
Theo lãnh đạo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tam Nông, từ đầu năm đến nay, thông qua các hội đoàn thể, các xã, thị trấn, Phòng giao dịch đã bình xét cho vay được 187 lượt hộ nghèo, số tiền là 4,2 tỷ đồng; 255 hộ cận nghèo với số tiền gần 7 tỷ đồng. Bên cạnh cho vay, những năm gần đây, NHCSXH thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm đối với hộ vay vốn nhằm tạo thói quen tích lũy cho hộ nghèo, hộ chính sách. Sau thời gian tiết kiệm, họ sẽ có số tiền trả bớt một phần nợ vay, khoảng 3-5 năm, các hộ sẽ đủ trả hết nợ vay và có khoản vốn tích lũy cho gia đình. Đến nay, có trên 14 ngàn hộ gửi tiết kiệm với số tiền trên 10 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, để triển khai có hiệu quả hơn nữa, tín dụng chính sách trên địa bàn, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tam Nông tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm đưa được nguồn vốn tín dụng chính sách đến được đúng đối tượng thụ hưởng, đáp ứng vốn kịp thời cho các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay.
Mẫn Nhy - (baodongthap.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)