Tích cực chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip

Thứ ba, 01 Tháng 12 2020 07:45 (GMT+7)
Xu thế hiện nay trên thế giới là chuyển đổi sang thẻ chip nhằm tăng cường an toàn bảo mật cho thẻ ngân hàng. Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu hướng này khi các ngân hàng đang có những động thái tích cực, triển khai áp dụng tiêu chuẩn thẻ chip nội địa trong toàn hệ thống.
Công nghệ chip giúp thẻ ngân hàng an toàn, bảo mật hơn.
 
Gia tăng tiện ích, an toàn cho thẻ
 
Theo lộ trình đặt ra tại Thông tư số 41/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về hoạt động thẻ ngân hàng, đến cuối năm 2020, 100% số máy ATM, thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam và đến ngày 31-12-2021, 100% số thẻ có BIN do NHNN cấp đang lưu hành của tổ chức phát hành thẻ phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Chủ tịch HĐQT Napas Nguyễn Quang Hưng cho biết, những tiện ích và tính minh bạch của thẻ chip mang lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế và người dân. Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của NHNN về tiêu chuẩn thẻ chip nội địa, đến nay Napas cùng các ngân hàng đang tập trung triển khai việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nội địa. Đến tháng 10-2020, đã có 36 ngân hàng chuẩn bị công nghệ phát hành thẻ chip, cùng với 19 đơn vị sẵn sàng công nghệ cho các ngân hàng phát hành thẻ và thanh toán thẻ.
 
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là một trong những ngân hàng đầu tiên trên thị trường triển khai phát hành mới và chuyển đổi thẻ ghi nợ nội địa công nghệ từ sang công nghệ chip không tiếp xúc (Chip Contactless) và nâng cấp hệ thống máy thanh toán thẻ (EDC) cũng như ATM trên toàn hệ thống bảo đảm chấp nhận thẻ chip theo bộ tiêu chuẩn cơ sở. Theo Giám đốc Trung tâm thẻ của Vietcombank Nguyễn Hồng Vân, đến nay Vietcombank đã phát hành và chuyển đổi hơn một triệu thẻ chip Contactless và nâng cấp hơn 50% số EDC, gần 70% số ATM chấp nhận thẻ chip theo bộ tiêu chuẩn cơ sở trên toàn hệ thống.
 
Còn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), từ ngày 20-5, ngân hàng đã chính thức phát hành rộng rãi trong toàn hệ thống thẻ chip nội địa không tiếp xúc chuẩn VCCS. Lãnh đạo Agribank cho biết, trước tình trạng tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng, vấn đề bảo đảm an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ được Agribank cũng như chủ thẻ đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, thẻ chip nội địa ra đời đã đáp ứng yêu cầu, gia tăng tính an toàn. Đồng thời, tại các ATM/CDM/POS của Agribank đã hoàn thành cập nhật tính năng chấp nhận thanh toán thẻ chip nội địa, quốc tế không tiếp xúc để hỗ trợ khách hàng giao dịch.
 
Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi
 
Có thể nói, việc chuyển đổi thẻ chip nội địa là xu thế phát triển tất yếu hiện nay trong bối cảnh tình trạng tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng và tập trung vào các thị trường chưa thực hiện chuyển đổi công nghệ chip. Do vậy, NHNN cũng đã yêu cầu Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng, Napas và đơn vị có liên quan cần phối hợp chặt chẽ, tích cực hơn nữa để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thẻ chip nội địa theo đúng lộ trình NHNN đã ban hành. Song song với đó, công tác chuyển đổi vẫn phải bảo đảm hoạt động thẻ diễn ra liên tục, ổn định và an toàn. Đồng thời, cần bảo đảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng chủ thẻ trong quá trình thực hiện chuyển đổi.
 
Tuy nhiên, dù rất tích cực triển khai lộ trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip, các ngân hàng cũng đang đối mặt với không ít khó khăn trong quá trình này. Chủ tịch Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam Đào Minh Tuấn cho biết, số lượng thẻ lưu hành tính đến hết ngày 30-6 gần như không thay đổi so với cuối năm 2019, do tác động của dịch Covid-19 nên số lượng thẻ phát hành mới trong sáu tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 10 triệu thẻ. Trong khi đó, số lượng thẻ lưu hành cuối năm 2019 đạt hơn 100 triệu thẻ (phát hành mới 22 triệu thẻ), tăng 16,5 triệu thẻ so với năm 2018. Bên cạnh đó, sáu tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng doanh số sử dụng thẻ toàn thị trường giảm xuống 9% (tổng doanh số sử dụng thẻ toàn thị trường năm 2019 tăng 24%); tăng trưởng doanh số sử dụng thẻ nội địa giảm xuống 6% (năm 2019 tăng trưởng 19%); doanh số sử dụng thẻ quốc tế vẫn tăng tốt ở mức 22% (năm 2019 tăng 47%).
 
Mặt khác, chi phí liên quan quá trình chuyển đổi thẻ chip nội địa theo lộ trình là rất lớn, như: chi phí trang bị ATM/POS mới, chi phí chỉnh sửa và nâng cấp hệ thống thẻ/hệ thống cá thể hóa thẻ, thiết bị đầu cuối, thời gian, nguồn nhân lực, nhất là chi phí mua sắm phôi thẻ (lên đến hàng trăm tỷ đồng) do giá phôi thẻ chip theo chuẩn VCCS cao hơn nhiều lần so với giá phôi thẻ từ thông thường. Vì vậy, các ngân hàng gặp khó khăn trong việc tính toán cân bằng hiệu quả chi phí để phê duyệt đầu tư mua sắm theo đúng quy định. Mức độ cạnh tranh và khả năng cung ứng của các nhà cung cấp phôi chưa cao, chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu tăng đột biến của tất cả các ngân hàng. Giám đốc Trung tâm thẻ của Vietcombank Nguyễn Hồng Vân chia sẻ thêm, thách thức lớn nhất đối với các ngân hàng trong quá trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip là vấn đề chi phí. Do vậy, đối với những ngân hàng có lượng thẻ lưu hành lớn, hệ thống máy EDC và ATM lớn như Vietcombank, thách thức lại càng lớn. Tuy nhiên, để việc triển khai thẻ chip được diễn ra thuận lợi, đúng lộ trình, hiện Vietcombank vẫn duy trì chính sách chuyển đổi miễn phí cho khách hàng từ thẻ từ sang thẻ chip.
 
Ngoài ra, việc thực hiện chuyển đổi còn phụ thuộc nhiều vào sự sẵn sàng và hợp tác của chủ thẻ nội địa. Có điều đến nay, khái niệm thẻ chip nói chung, thẻ chip không tiếp xúc nói riêng vẫn khá mới mẻ với người dân, đồng thời hạ tầng thanh toán thẻ loại này và mạng lưới chấp nhận thẻ chip nội địa nói chung còn hạn chế cũng cản trở đến tiến độ, lộ trình chuyển đổi của các ngân hàng. Chưa kể, số lượng nhà cung cấp phôi thẻ đủ tiêu chuẩn ít, hiện mới chỉ có ba đơn vị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về chip nội địa, được Napas cấp chứng nhận là Công ty Gelmato, MK và Idemia. Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam đề nghị NHNN điều chỉnh kéo dài lộ trình chuyển đổi đối với cả hai mảng phát hành và thanh toán thẻ (ATM/EDC) do lượng thẻ nội địa cần chuyển đổi, số ATM/EDC cần mua sắm/thay thế/nâng cấp mới trên thị trường là rất lớn; đề xuất NHNN xem xét và có các chính sách, phương án hỗ trợ cụ thể, như: xem xét điều chỉnh phạm vi các loại thẻ bắt buộc chuyển đổi; không chuyển đổi và không bắt buộc phát hành thẻ chip đối với dòng thẻ liên kết sinh viên, thẻ liên kết đối tác có phạm vi sử dụng hẹp; xem xét phối hợp các ban, ngành liên quan xây dựng cơ chế giá phí phù hợp các đơn vị cung cấp phôi thẻ cho các ngân hàng trong giai đoạn triển khai chuyển đổi thẻ nội địa; xây dựng và sớm ban hành quy định về việc chuyển đổi trách nhiệm khi phát sinh rủi ro đối với thẻ chip nội địa (luật chip liability shift) để bảo đảm quyền lợi, tránh rủi ro cho các ngân hàng tích cực triển khai phát hành và chuyển đổi thẻ chip nội địa, từ đó làm động lực thúc đẩy nhanh quá trình triển khai chuyển đổi.
 
Bài và ảnh: HỒNG ANH - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm