Ngân hàng dồn dập lên sàn

Thứ tư, 23 Tháng 12 2020 07:48 (GMT+7)
Không chỉ nhanh chân niêm yết cổ phiếu trên sàn trước “giờ G” mà các ngân hàng thương mại dồn dập lên sàn vì “sóng” cổ phiếu vua đã trở lại. Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng 30%-50%, thậm chí có cổ phiếu đã tăng 100% so với đầu năm, khiến các ông chủ ngân hàng chớp thời cơ, đưa cổ phiếu lên sàn đón sóng.
Ngân hàng ACB chuyển giao dịch từ sàn HNX sang sàn HoSE từ ngày 9-12-2020. Ảnh: HUY PHAN
Ngân hàng ACB chuyển giao dịch từ sàn HNX sang sàn HoSE từ ngày 9-12-2020. Ảnh: HUY PHAN
 
Sôi động lên sàn, chuyển sàn 
 
Sau nhiều năm lần lữa, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều ngân hàng nhỏ cũng đã đăng ký giao dịch thành công trên UPCoM (sàn cổ phiếu dành cho các công ty chưa niêm yết lên thị trường chính thức HoSE và HNX). Do thị trường chứng khoán đang thuận lợi nên cổ phiếu (CP) các ngân hàng sau khi lên sàn đã tăng tốt. 
 
Mở hàng đầu tiên trong năm 2020, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank - BVB) đã niêm yết trên sàn UPCom vào tháng 7-2020 với giá tham chiếu 10.700 đồng/CP, hiện BVB đã tăng lên 13.400 đồng/CP. Tương tự, NAB của Ngân hàng TMCP Nam Á - NamABank đưa 389 triệu CP giao dịch chính thức trên UPCoM từ ngày 9-10 với giá 13.500 đồng/CP, đến nay NAB cũng đã tăng lên 14.600 đồng/CP.
 
Lãnh đạo NamA Bank cho biết, đang chuẩn bị các thủ tục để chuyển cổ phiếu sang giao dịch trên HoSE (sàn TPHCM) sau khi hoàn tất tăng vốn điều lệ và chốt xong room ngoại với đối tác chiến lược. Tiếp đó, ngày 15-10, SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương - Saigon Bank cũng chính thức giao dịch trên sàn UPCoM với mức giá chào sàn gây nhiều bất ngờ, ở mức 25.800 đồng/CP. Tuy nhiên, đến nay, CP này đang giao dịch ở mức 13.000 đồng/CP. Đây là ngân hàng duy nhất có giá CP giảm trong thời gian qua. 
Ngân hàng dồn dập lên sàn ảnh 1
SeA Bank sẽ lên sàn HoSE trong thời gian tới. Ảnh: CAO THĂNG
 
Không chỉ nhanh chân lên sàn mà một số ngân hàng cũng đã chuyển sàn nhằm tăng thanh khoản, đồng thời nâng cao vị thế, uy tín của ngân hàng. Cụ thể, LienVietPostBank (LPB) là ngân hàng đầu tiên chuyển niêm yết thành công trên HoSE trong năm 2020. Hơn 976 triệu cổ phiếu LPB bắt đầu chuyển từ UpCOM lên giao dịch trên HoSE từ ngày 9-11 với giá tham chiếu 11.800 đồng/CP. Khoảng 1,5 tháng sau khi chuyển sàn, giá cổ phiếu LPB tăng hơn 10%.
 
Tương tự, ngày 10-11, gần 925 triệu CP của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng đã chính thức chuyển từ sàn UpCOM sang giao dịch trên HoSE với giá 32.300 đồng/CP và hiện đã tăng lên 33.200 đồng/CP. Không chỉ chuyển từ UpCOM lên sàn giao dịch chính thức mà ngày 9-12, hơn 2,16 tỷ cổ phiếu ACB đã chính thức chuyển từ sàn HNX (sàn Hà Nội) sang sàn HoSE với giá mở phiên giao dịch đầu tiên là 26.400 đồng/CP và hiện nay, giá cổ phiếu ACB đang giao dịch ở mức 28.400 đồng/CP. 
 
“Cú hích” chuyển sàn không chỉ giúp các ngân hàng tăng khả năng huy động vốn mà còn là cơ hội để ngân hàng tìm được nhà đầu tư tiềm lực mạnh, thu hút vốn ngoại đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai. Cụ thể, sau khi tăng vốn và chuyển sang giao dịch tại  HoSE, cổ phiếu ACB được kỳ vọng sẽ lọt vào các rổ chỉ số sau khi đủ thời gian niêm yết như VN30, VNDIAMOND, VNFINSELECT, VNFINLEAD…
 
Theo Quyết định 242/2019 của Thủ tướng Chính phủ về đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, đến hết năm 2020, tất cả các NHTM sẽ phải đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM.
 
Việc lọt vào các rổ chỉ số này có thể cải thiện đáng kể tính thanh khoản của CP, cũng như khả năng hút vốn ngoại của ngân hàng. Tương tự, với kế hoạch chuyển sàn sang HoSE từ HNX của Ngân hàng SHB, các công ty chứng khoán cũng dự báo kỳ tái cơ cấu danh mục của chỉ số MVIS Vietnam sắp tới, SHB sẽ là cổ phiếu duy nhất được thêm vào với tỷ trọng ước tính khoảng 4%, tương đương 23 triệu cổ phiếu SHB. Thực tế cũng cho thấy, hiệu ứng niêm yết, chuyển sàn đã tác động tích cực lên giá CP ngân hàng thời gian qua. Các CP chuyển sàn như: ACB, VIB, LPB và SHB đều nằm trong tốp 5 cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất năm.
 
Ngoài 3 ngân hàng này, các ngân hàng khác cũng sẽ lên sàn HoSE trong thời gian tới là SHB, SeABank, OCB, MSB.  
 
Cổ phiếu “vua” trở lại 
 
Hiện thị trường chứng khoán Việt Nam đang rất tích cực với thanh khoản duy trì ở mức cao và tiếp tục xác lập kỷ lục mới. Đã có một số phiên gần đây thanh khoản thị trường lên trên 15.000 đồng/phiên. Trong đó, nhóm CP ngân hàng hiện vẫn là nhóm ngành thu hút dòng tiền mạnh nhất với tổng giá trị giao dịch mỗi phiên chiếm đến 25% tổng giá trị thị trường, đóng vai trò dẫn dắt chính, có ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng chung. 
 
VN-Index đã tăng hơn 11% kể từ đầu năm đến nay và một trong những lực đẩy chính của thị trường thuộc về nhóm CP ngân hàng. Thực tế cho thấy, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, song nhìn chung, kết quả kinh doanh của các ngân hàng vẫn khá tích cực. Theo báo cáo tài chính của 26 NHTM niêm yết trên sàn, tổng lợi nhuận sau 3 quý đầu năm 2020 của các ngân hàng vẫn đạt 76.273 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ 2019.
 
Bên cạnh đó, triển vọng tươi sáng khi nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi trở lại sau khi dịch trong nước cơ bản được kiểm soát, sẽ là yếu tố giúp cho các nhà đầu tư gia tăng kỳ vọng với CP ngân hàng. Trong báo cáo về ngân hàng Việt Nam vừa được công bố mới đây, định chế tài chính JP Morgan cũng nhận định, các ngân hàng Việt Nam vẫn tăng trưởng cao trong năm 2020; đồng thời kỳ vọng chất lượng tài sản các ngân hàng Việt Nam sẽ duy trì ổn định trong 2 năm tới.
 
Trong phiên giao dịch ngày 22-12, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào thị trường. Vào lúc 15 giờ, thanh khoản toàn thị trường đã lên đến hơn 17.500 tỷ đồng. Trong đó, riêng sàn HoSE, khối lượng khớp lệnh chính thức vượt đỉnh với 696 triệu đơn vị cổ phiếu/phiên, tương ứng giá trị giao dịch hơn 14.590 tỷ đồng, dẫn đến hệ thống HoSE bị quá tải. HoSE đã chủ động cắt toàn bộ lệnh vào sàn để tránh tình trạng quá tải làm ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. 
 
Trong phiên giao dịch ngày 22-12, VN-Index tiếp tục tăng lên 1.083,45 điểm. Thanh khoản toàn thị trường tăng mạnh với 964,6 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị đạt 17.502 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 2.523 tỷ đồng.
NHUNG NGUYỄN - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm