Cụ thể, về nhiệm vụ trong năm 2021, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị chủ tịch hội đồng quản trị, hội đồng thành viên và tổng giám đốc, giám đốc các tổ chức tín dụng chủ động xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 của tổ chức mình, sớm gửi Ngân hàng Nhà nước xem xét phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện…
Với việc xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2021, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với các khoản cho vay cũ, cho vay trung dài hạn cho doanh nghiệp và người dân.
Các ngân hàng phải giảm chi tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi vay trong năm 2021. Ảnh: Lam Giang
Các ngân hàng mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh; tập trung vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, phục hồi kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2021, các ngân hàng cần đáp ứng tốt nhu cầu tiền mặt, tín dụng, dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp, người dân; bảo đảm cho mọi hoạt động thông suốt an toàn, phục vụ nhân dân đón Tết.
Về phía các ngân hàng thương mại, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), cho biết trong năm 2020, ngân hàng đã có 5 lần giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, 8 lần giảm phí dịch vụ nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp.
Còn theo ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ngân hàng này đã triển khai việc cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm lãi, miễn giảm lãi, phí; 4 lần điều chỉnh hạ lãi suất. Với tất cả biện pháp đó, BIDV đã giảm lợi nhuận trên 6.400 tỉ đồng, để hỗ trợ tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua khó khăn, duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến 21-12, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 10,14% và dự kiến cả năm ở mức 10,5%. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đơn giản hoá quy trình, thủ tục nội bộ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ hơn trong thời gian tới.
Ghi nhận của Báo Người Lao Động, nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh lãi suất cho vay còn cao, chưa giảm tương xứng với lãi suất huy động. Việc tiếp cận vốn ở một số lĩnh vực như doanh nghiệp du lịch, lữ hành... rất khó khăn.
Thái Phương - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)