Ngành ngân hàng đồng hành chương trình "tam nông"

Thứ tư, 03 Tháng 3 2021 01:11 (GMT+7)
Bến Tre có kinh tế nông nghiệp (NN) làm chủ lực. Những năm qua, lãnh đạo tỉnh ban hành nhiều chương trình, nghị quyết và chính sách về khuyến khích phát triển nông nghiệp. Trong đó, Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm NN chủ lực tỉnh (năm 2016), Đề án tái cơ cấu ngành NN tỉnh và Kết luận số 359-KL/TU về phát triển NN, nông dân, nông thôn giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 có vai trò “xương sống” trong phát triển kinh tế của tỉnh. Thời gian qua, ngành ngân hàng đã bám sát những nội dung này, xác định “tam nông” là đối tượng ưu tiên hàng đầu.
Ngành ngân hàng sẽ ưu tiên giải ngân nguồn vốn cho các mô hình sản xuất nông nghiệp.
Ngành ngân hàng sẽ ưu tiên giải ngân nguồn vốn cho các mô hình sản xuất nông nghiệp.
 
Đồng hành cùng “tam nông”
 
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Bến Tre đóng vai trò chủ lực trong đầu tư cho vay phát triển NN, nông dân và nông thôn, với mạng lưới hoạt động được phân bổ phủ khắp địa bàn tỉnh. Trong mục tiêu hoạt động, ngân hàng xem đây là đối tượng chủ lực, với trên 95% dư nợ tập trung vào lĩnh vực “tam nông”, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Vũ Hồng Dụ cho hay, trong quá trình hoạt động, ngân hàng đã thực hiện tốt chương trình tín dụng phát triển NN, nông thôn và nông dân theo Nghị định số 55/NĐ-CP của Chính phủ; chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển hạ tầng, các làng nghề, phát triển kinh tế trang trại, NN sạch, công nghệ cao; cho vay qua chuỗi liên kết, tổ nhóm, gói tín dụng 500 tỷ đồng cho vay ưu đãi lãi suất hỗ trợ xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế theo nghị quyết của Đảng bộ tỉnh.
 
Đến nay, thông qua tín dụng, Agribank đã giúp cho hàng trăm doanh nghiệp, hàng ngàn hộ gia đình có đủ vốn để tổ chức sản xuất, kinh doanh, mở rộng ngành nghề, nâng cao đời sống, đóng góp được nhiều cho xã hội. Agribank đã mở ra cơ hội thoát nghèo và tạo cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, thực sự là đòn bẩy hiệu quả trong phát triển NN, nông thôn và xây dựng nông thôn mới…
 
Trong năm 2020, Phòng Giao dịch Thạnh Phú đạt tổng dư nợ cho vay NN, nông thôn trên 1.587 tỷ đồng, trong đó tập trung chăn nuôi, trồng trọt; nuôi thủy sản; tiêu dùng địa bàn nông thôn; kinh doanh trên địa bàn nông thôn. Định hướng thời gian tới, Phòng giao dịch Thạnh Phú sẽ tiếp tục bám sát theo Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong đầu tư tín dụng; tập trung đầu tư tín dụng vào phát triển các cây, con thế mạnh như: dừa, xoài, lúa, tôm, gia cầm… Đầu tư tín dụng mở rộng phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, công nghiệp chế biến, năng lượng xanh, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn.
 
Bám sát mục tiêu phát triển kinh tế
 
 Ông Vũ Hồng Dụ - Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh cho biết, trong năm 2021, Agribank Chi nhánh tỉnh tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu là thực thi chính sách tiền tệ trên địa bàn, đảm bảo kinh doanh hiệu quả, ưu tiên nguồn vốn cho vay lĩnh vực “tam nông”, triển khai đồng bộ cho vay qua tổ vay vốn mà chủ đạo là thông qua bảo lãnh của Hội Nông dân và Hội Phụ nữ; triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; các chủ trương, chính sách có liên quan.
 
Được biết, năm 2021 và giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh tiếp tục xác định cơ cấu lại ngành NN là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên cơ sở phát huy nội lực cộng đồng là chính, góp phần đẩy nhanh phát triển NN bền vững. Thực hiện cơ cấu lại sản xuất NN theo hướng tập trung, chuyên canh, quy mô lớn theo chuỗi giá trị và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra nền sản xuất NN hàng hóa có chất lượng tốt, đồng đều, hiệu quả cao và sức cạnh tranh tốt. Theo đó, tỉnh sẽ khuyến khích tích tụ đất đai để sản xuất hàng hóa lớn, các dự án ứng dụng công nghệ cao, có quy mô vốn lớn và đầu tư công nghệ phục vụ phát triển NN, kết hợp sản xuất NN với phát triển du lịch, nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản.       
 
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lê Công Thành cho biết, trong năm 2021, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục bám sát các chương trình, nghị quyết của tỉnh về lĩnh vực “tam nông” để triển khai đến các ngân ngành thương mại chi nhánh tỉnh. “Để phát triển sản phẩm chuỗi giá trị NN bền vững, điều quan trọng đầu tiên là phải có doanh nghiệp dẫn dắt. Do đó, tỉnh cần phải có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực NN. Từ đó, gắn kết và ngân hàng có thể bỏ vốn vào đầu tư với các hình thức phù hợp, linh hoạt. Sắp tới, ngân hàng sẽ chủ động hơn trong tham mưu giải pháp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong xây dựng các chuỗi giá trị nông sản chủ lực nói riêng, “tam nông” nói chung” - ông Lê Công Thành đề xuất.
 
Bài, ảnh: Cẩm Trúc - (baodongkhoi.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm