Tín dụng tăng trưởng khả quan

Thứ hai, 12 Tháng 4 2021 07:50 (GMT+7)
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đến hết tháng 3, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 2,3% so với cuối năm 2020, cao hơn nhiều so với mức tăng chưa đến 1% cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu vốn được dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới và tăng trưởng tín dụng theo đó cũng được kỳ vọng sẽ hồi phục từ quý II trở đi.
Khách hàng giao dịch ở Ngân hàng SeABank.
 
Diễn biến sôi động
 
Quan sát từ đầu năm đến nay, diễn biến trên thị trường tín dụng khá sôi động. Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Tuấn Anh cho biết, đến hết tháng 3, tín dụng tăng trưởng khoảng 2,3% so với cuối năm 2020. Báo cáo kết quả kinh doanh từ một số ngân hàng cũng cho thấy dấu hiệu khả quan về tăng trưởng tín dụng trong quý I - 2021. Ðáng chú ý, với mức tăng trưởng tín dụng quý I - 2021 đạt 3,69%, mức cao nhất so cùng kỳ nhiều năm, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu hệ thống về tăng trưởng tín dụng. Năm 2021, Vietcombank được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng 10,5%. Theo chia sẻ của đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HÐQT) Vietcombank, NHNN giao chỉ tiêu tín dụng cao cho Vietcombank dựa trên nhiều yếu tố: khả năng tăng tín dụng; nguồn vốn chủ yếu rót vào lĩnh vực ưu tiên; nợ xấu thấp; tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) của ngân hàng cũng chỉ ở mức 71% trong khi phần lớn các ngân hàng khác đều hơn 90%. "Với kết quả tăng tín dụng ba tháng đầu năm như vậy, nếu NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, Vietcombank có thể tăng tín dụng 14% trong năm 2021 này", đồng chí Nghiêm Xuân Thành bày tỏ tin tưởng.
 
Cũng theo lý giải của Chủ tịch HÐQT Vietcombank, thông thường tăng trưởng tín dụng của quý I hằng năm thường không cao nhưng với mức tăng tín dụng của Vietcombank nói riêng và của hệ thống nói chung trong quý I này, chỉ báo của ngành ngân hàng và nền kinh tế trong năm nay là có nhiều triển vọng. Ngoài ra, phân tích thêm về con số hạn mức tăng trưởng tín dụng 10,5% của năm nay, đại diện lãnh đạo Vietcombank cho rằng, xét về con số tăng trưởng, đây không phải cao nhất nhưng về quy mô tăng trưởng, không ngân hàng nào có thể vượt qua. Bởi theo tính toán của Vietcombank, với hạn mức 10,5% được giao, năm 2021 ngân hàng sẽ "bơm" thêm ra nền kinh tế khoảng 88 nghìn tỷ đồng. Còn nếu được điều chỉnh lên mức 14% như năng lực của ngân hàng, Vietcombank sẽ cho vay thêm ra nền kinh tế khoảng 117 nghìn tỷ đồng và đưa tổng dư nợ lên gần 1 triệu tỷ đồng.
 
Không riêng gì Vietcombank, nhiều ngân hàng khác cũng bày tỏ kỳ vọng tín dụng sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong năm 2021. Ðơn cử tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của ngân hàng MSB vừa qua, dư nợ tín dụng của ngân hàng này dự kiến tăng 25% lên hơn 106 nghìn tỷ đồng; huy động vốn tăng 15%, đạt hơn 114 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.280 tỷ đồng, tăng 30%. Lý giải sự tự tin khi đưa ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng này, đại diện lãnh đạo ngân hàng MSB cho biết, lợi nhuận quý I của MSB rất tốt. Dư nợ cho vay của MSB đến hết quý I tăng hơn 9%. Ước tính lợi nhuận trước thuế quý I của MSB đạt khoảng 1.200 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt 290 tỷ đồng.
 
Tương tự, tại báo cáo trình Ðại hội đồng cổ đông thường niên, ngân hàng SeABank cũng đặt mục tiêu dư nợ cho vay khách hàng tăng 13%, đạt 122.978 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.414 tỷ đồng, tăng 40%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,76%. Kết thúc quý I-2021, SeABank cũng đạt nhiều kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận hợp nhất trước thuế tăng gần gấp 2,3 lần so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng 14,3% so cùng kỳ, đạt 111.050 tỷ đồng.
 
Mục tiêu thận trọng
 
Tuy tăng trưởng tín dụng có tín hiệu khả quan, nhưng NHNN vẫn đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng khá thận trọng khi giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng trong năm 2021. Cũng theo Vụ trưởng Nguyễn Tuấn Anh, từ đầu năm, NHNN đã đưa ra ba kịch bản cho tăng trưởng tín dụng năm 2021. Theo đó, kịch bản 1, việc tiêm chủng vắc-xin đại trà và dịch Covid-19 được khống chế, tín dụng sẽ tăng 12% đến 13%, có thể đạt 14%. Kịch bản 2, dịch kéo dài đến tháng 6, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vắc-xin kéo dài, tín dụng có thể tăng từ 10% đến 12%. Kịch bản 3, dịch kéo dài đến hết năm, tăng trưởng khoảng 7% đến 8%. "Với diễn biến nền kinh tế như hiện tại, NHNN đang hướng tới kịch bản tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 12%, nhưng sẽ linh hoạt điều chỉnh", ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm.
 
Từ đó, các ngân hàng thương mại cũng đã được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 đợt một. Trong đó, Techcombank, TPBank và Vietcombank là những ngân hàng được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng khá cao với mức tăng được giao lần lượt là 12,5%, 11,5% và 10,5%. Tiếp đó là ACB (9,5%), VIB (8,5%), BIDV (7,5%), VietinBank (7,5%), Agribank (6,5%), Eximbank (6,5%),...
 
Nhận định của các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy, dựa trên bối cảnh vĩ mô hiện tại với tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát và việc tiêm chủng đang được triển khai, triển vọng tăng trưởng tín dụng nghiêng về kịch bản đầu tiên, đó là từ 12% đến 14%. Tuy nhiên, VDSC cũng cho biết, hạn mức tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng lại thấp hơn nhiều so với năm 2020. Các nhà hoạch định chính sách muốn cân bằng giữa động cơ mong muốn đạt được tăng trưởng tín dụng cao và nguy cơ suy giảm chất lượng tài sản, nhất là khi những bất ổn kinh tế vẫn còn rõ rệt do rủi ro liên quan đến Covid-19 (tức là nợ xấu cao hơn và kỳ vọng lạm phát gia tăng). "Theo cách hiểu của chúng tôi, NHNN đang chọn phương pháp tiếp cận "củ cà-rốt và cây gậy" nhằm quản lý rủi ro tín dụng. Theo đó, các ngân hàng sẽ có động lực để cải thiện hoạt động và thận trọng hơn trong các hoạt động cho vay đầu cơ và rủi ro. Như vậy, các ngân hàng khỏe mạnh hơn sẽ có thể thêm hạn mức tín dụng cao hơn trong nửa cuối năm", nhóm phân tích của VDSC cho biết.
 
Trong khi đó, TS Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, hiện nay NHNN vẫn điều hành chính sách tín dụng dựa trên tổng mức tăng tín dụng, nhưng linh hoạt trước các diễn biến, cố gắng vừa góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế nhưng cũng phải khéo léo để không gây "vỡ trận" về vĩ mô.
 
Ðồng quan điểm thận trọng đối với tăng trưởng tín dụng, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng tín dụng những năm gần đây chậm hơn, song mức tăng trưởng không hề thấp so với những năm trước. Hơn nữa, quy mô dư nợ tín dụng/GDP ngày càng lớn (hiện khoảng 140%) nên việc kiểm soát tín dụng tăng ở mức 12% trong năm 2021 là hợp lý. "Nếu sự phục hồi của nền kinh tế tốt, tín dụng toàn nền kinh tế có thể tăng từ 11% đến 13% trong năm 2021 và kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh hơn từ quý II", TS Cấn Văn Lực phân tích.
 
HỒNG ANH - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm