Bảo đảm giải ngân kịp thời vốn chính sách ưu đãi

Thứ ba, 15 Tháng 6 2021 08:03 (GMT+7)
Ngay từ những tháng đầu năm 2021, toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa hỗ trợ kịp thời nguồn vốn ưu đãi chính sách để người dân duy trì sản xuất, phát triển kinh tế.
Một buổi giải ngân vốn vay tại điểm giao dịch phường Vạn Phúc, quận Hà Ðông (Hà Nội).
 
Ðiểm tựa vốn trong mùa dịch
 
Cũng như nhiều hộ kinh doanh vải lụa tơ tằm truyền thống Vạn Phúc, gia đình ông Ðỗ Quang Nhật (phường Vạn Phúc, quận Hà Ðông, TP Hà Nội) đang gặp nhiều khó khăn khi người mua vắng bóng, nguồn hàng sản xuất ra bị tồn đọng, trong khi nguồn nguyên liệu sản xuất cũng đang dần cạn kiệt. Từng là hộ nghèo, ông Nhật từng được NHCSXH cho vay vốn mở cửa hàng kinh doanh. Cuộc sống khấm khá hơn, nguồn lực tài chính gia đình cũng thêm dồi dào nên 5 năm nay gia đình ông không còn phải vay vốn chính sách. Nhưng "cơn bão" Covid-19 từ năm 2020 "quét" qua đã thổi bay nguồn vốn tích lũy bao năm. Ông Nhật lại tìm đến với nguồn vốn vay ưu đãi để có dòng tiền xoay vòng trong thời điểm dịch bệnh.
 
Trong những phiên giao dịch giải ngân nguồn tín dụng chính sách tại phường Vạn Phúc thời gian gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều những người như ông Nhật là các hộ vay thuộc Chương trình cho vay giải quyết việc làm. Chị Ðỗ Thu Trang (Tổ dân phố Ðoàn Kết, phường Vạn Phúc) cũng đến để làm thủ tục giải ngân nhận 50 triệu đồng vốn vay ưu đãi để về kinh doanh quần áo. Chị Trang tâm sự, hai vợ chồng chị trước nay đều làm nghề tự do. Nhưng dịch Covid-19 khiến cho công việc đang làm của cả hai vợ chồng đều không còn. Chị quyết định vay vốn để có thể kinh doanh quần áo qua in-tơ-nét. "Thông qua Hội Cựu chiến binh của phường, tôi đã được tư vấn và làm thủ tục vay một cách thuận lợi, nhanh chóng. Những đồng vốn quý giá này sẽ là cơ hội giúp gia đình tôi vượt qua đại dịch", chị Trang chia sẻ.
 
Không chỉ giúp người dân gặp khó khăn tạm thời do tác động của dịch bệnh có nguồn vốn vượt qua đại dịch, tín dụng chính sách ưu đãi từ NHCSXH còn giúp một số hộ kinh doanh mạnh dạn nắm bắt cơ hội để vươn lên. Gia đình chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (Tổ dân phố 1, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) trước đây bán hàng ăn sáng, nhưng do yêu cầu bảo đảm phòng, chống dịch chung của thành phố trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị buộc phải đóng cửa hàng. Chị đã tìm hiểu về việc bán hàng trực tuyến và mạnh dạn đăng ký vay 40 triệu đồng của NHCSXH thông qua Hội Phụ nữ phường giới thiệu.
 
Thông suốt dòng chảy tín dụng
 
Theo thống kê, 5 tháng đầu năm 2021, doanh số cho vay của NHCSXH thành phố Hà Nội đạt 2.250 tỷ đồng; qua đó giúp cho hơn 53 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có việc làm, phát triển kinh tế. Tổng dư nợ 16 chương trình tín dụng thực hiện đến ngày 31-5 đạt 10.902 tỷ đồng với hơn 251 nghìn khách hàng vay vốn, tăng 7,4% so với đầu năm. Ðối với địa phương có chuẩn nghèo cao hơn chỉ tiêu chung của cả nước, cùng với nhu cầu có việc làm, chuyển đổi sinh kế của người dân lớn; nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra từ năm 2020 thì nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đang dần trở thành chủ công thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội. Trong 5 tháng đầu năm, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương tăng 636 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn nhận ủy thác tại NHCSXH thành phố Hà Nội đến nay đạt 4.750 tỷ đồng; trong đó ngân sách thành phố đạt 4.165 tỷ đồng, tăng 584 tỷ đồng, vốn ngân sách ủy thác từ các quận, huyện, thị xã tăng 52 tỷ đồng. Hiện, thành phố đang có 105 nghìn khách hàng thụ hưởng từ Chương trình cho vay giải quyết việc làm với dư nợ 4.534 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19 là 650 tỷ đồng với hơn 14 nghìn khách hàng đang vay vốn.
 
Có thể thấy, trong những tháng đầu năm 2021, cả hệ thống NHCSXH đang tiếp tục nỗ lực để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Tại TP Hà Nội, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Một số phiên giao dịch của NHCSXH tại xã, phường phải tạm dừng hoạt động trong tháng hoặc chuyển sang ngày giao dịch khác của tháng theo đề nghị của UBND cấp xã để bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; do đó cũng đã ảnh hưởng đến kế hoạch thu nợ, giải ngân của chi nhánh. Tuy nhiên, dòng vốn tín dụng ưu đãi vẫn được thông suốt để bảo đảm đến tay các đối tượng chính sách đang gặp khó khăn trên địa bàn.
 
Trong thời gian tới, đại diện NHCSXH chi nhánh TP Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục tham mưu UBND các cấp bố trí ngân sách chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19 năm 2021. Trên phạm vi cả nước, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cũng đề nghị và mong muốn cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách. Trong đó, chú trọng cân đối, bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, bảo toàn và phát triển vốn cho Nhà nước, góp phần quan trọng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
 
Bài, ảnh: HỒNG ANH và VIỆT HẢI - (nhandan.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm